Điều khiển xe máy vác đao đập vỡ gương xe ô tô lưu thông trên đường, người đàn ông bị xử lý như thế nào?

          Chào luật sư, tôi có một vấn đề thắc mắc cần giải đáp: Tôi và hàng xóm có mâu thuẫn do sự va chạm giao thông nhỏ giữa 2 bên. Hôm vừa rồi tôi có đỗ xe gần cổng nhà đó nhưng người hàng xóm cùng một thanh niên khác đi xe máy có mang theo hung khí là một chiếc đao đến đập vỡ gương chiếc ô tô của tôi. Tuy ảnh hưởng kinh tế nhỏ nhưng hành động làm tôi thấy rất bức xúc. Cho tôi hỏi hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào khi đưa ra pháp luật?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1.       Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP
  • Bộ luật hình sự năm 2015.
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2017.
  • Bộ luật dân sự năm 2015

2.       Nội dung tư vấn:

       Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì ở trong vụ việc này, đã có một người đàn ông điều khiển xe máy, tay cầm dao và cố tình tiếp cận các xe ô tô, xe taxi đang đỗ bên đường hoặc đang đi trên đường rồi dùng dao chém đứt gương xe ô tô. Xem xét hành vi của người đàn ông nêu trên có thể thấy:

       Trước hết, có thể thấy “hành vi điều khiển xe máy cầm theo đao đi đập phá gương của các phương tiện giao thông” là một hành vi có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông (bao gồm cả phương tiện ô tô bị đập vỡ gương và những người qua đường khác). Trong tình huống này, người đàn ông này đã có hành vi cố ý, thực hiện hành động một cách chủ động, sử dụng hung khí là cây đao để tác động, đập phá gương của các xe ô tô. Đây là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Hành vi này đã tác động và xâm phạm trực tiếp tới tài sản của người khác, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tài sản của cá nhân,

        Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, mà với hành vi này thì người vi phạm (ở đây là người đàn ông trong clip) tùy theo từng mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

      Trong đó, về trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”

 Căn cứ theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi được trích dẫn ở trên, có thể thấy, người đàn ông trong clip có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, nếu như đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh này, trong đó có các dấu hiệu cơ bản như:

        Thứ nhất, là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.

        Thứ hai, hành vi phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

Một là, người phạm tội đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khâc nhưng vẫn còn vi phạm.

Hai là, người phạm tội đã từng bị kết án về Tội danh này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Ba là, hành vi của người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội;

Bốn là, tài sản bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng được xác định là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ,

Năm là, tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng được xác định là di vật, cổ vật.

        Nếu không đáp ứng các cấu thành tội phạm của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì người đàn ông kia sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với hành vi “cố ý đập phá gương của các phương tiện xe ô tô” thì dù chưa đến mức bị truy cứu hình sự thì người đàn ông này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5. 000.000 đồng.

           Ngoài ra, bởi vì hành vi cố ý vác đao đập phá gương xe ô tô thực tế đã gây ra thiệt hại về tài sản (như gương xe, hay một phần xe ô tô bị vỡ, bị hư hỏng...) nên người đàn ông này còn phải có trách nhiệm bồi thường cho các chủ xe ô tô – người có tài sản bị xâm phạm theo quy định của pháp luật về dân sự, bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”. Mức bồi thường cũng như trách nhiệm bồi thường sẽ được giải quyết dựa trên thỏa thuận của hai bên hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự.

         Như vậy, qua phân tích ở trên có thể thấy, tùy vào từng mức độ vi phạm, và thiệt hại xảy ra mà người đàn ông hàng xóm của bạn kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính vì hành vi “đi xe máy, mang đao đập phá tài sản của người khác”. Ngoài ra với hành vi của mình, người đàn ông kia còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn về tài sản bị hủy hoại theo quy định của pháp luật dân sự.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer