Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Tôi là bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tôi đang bị bệnh phải nằm viện điều trị nên không thể tham gia phiên tòa được. Tôi có làm đơn xin hoãn phiên tòa nhưng sau đó tôi được biết phiên tòa vẫn diễn ra. Tôi không đồng ý với phần bồi thương dân sự được tuyên trong bản án sơ thẩm nên đã làm đơn kháng cáo. Hiện nay tình hình sức khỏe của tôi không được tốt hay phải nhập viện đột ngột. Vậy cho tôi hỏi, khi xét xử sơ thẩm tôi đã xin hoãn nhưng phiên tòa vẫn diễn ra là có đúng quy định không? Nếu ở phiên phúc thẩm tôi tiếp tục vắng mặt thì có xét xử không hay sẽ hoãn? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Về việc hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm khi bị hại có đơn xin hoãn phiên tòa

Tại Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

“Điều 292. Sự có mặt của bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ

1. Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

2. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định trên, bị hại vắng mặt không phải là trường hợp buộc phải hoãn phiên tòa. Vì vậy, khi bạn có đơn xin hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ xem xét, sau đó ra quyết định hoãn phiên tòa hay vẫn tiến hành xét xử tiếp.

Như vậy, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử mà không có sự có mặt của bạn (bị hại) là đúng theo quy định của pháp luật.

2. Bị hại vắng mặt tại phiên tòa xét xử phúc thẩm

Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:

“Điều 351. Sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị

1. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết:

...

b) Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự;”

Như vậy, nếu trong ngày diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm, bạn vẫn vắng mặt vì lý do bất khả kháng (bị ốm phải nhập viện đột xuất theo như bạn trình bày) thì Hội đồng xét xử vẫn có thể tiến hành xét xử. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Để tìm kiếm các giải đáp pháp lý, cũng như lời khuyên từ Luật Sao Việt đối với từng trường hợp cụ thể, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer