Anh trai tôi bị khởi tố tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, hiện đang bị công an tạm giam. Nay tôi muốn đặt tiền để bảo đảm, đưa anh trai ra ngoài thì có được không? Phải chi trả bao nhiêu? Mong Luật sư hướng dẫn giúp. Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với vấn đề của anh trai bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;”

Trường hợp của anh trai bạn, vì đã gây ra hậu quả chết người, bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích, nên hành vi của anh trai bạn sẽ bị truy cứu theo Khoản 4 nêu trên. Dựa trên quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 về phân loại tội phạm thì đây là loại Tội phạm rất nghiêm trọng.

Về việc bạn muốn đặt tiền để bảo đảm, giúp anh trai không bị tạm giam:

Để có thể đặt tiền để bảo đảm cho anh trai bạn, cần phải được Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát xem xét phê chuẩn. Việc có được chấp thuận hay không còn phải dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của anh bạn.

Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm 

Tại khoản 2 Điều 22 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm như sau:

“Áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm

1. Trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can hoặc người thân thích của bị can được đặt tiền để bảo đảm, thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn.

2. Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm gồm:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

b) Chứng cứ, tài liệu thể hiện tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can;

c) Tài liệu xác định bị can hoặc người thân thích của bị can đã đặt tiền để bảo đảm;

d) Giấy cam đoan của bị can về việc cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự;

đ) Giấy cam đoan của người thân thích của bị can theo quy định tại khoản 5 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với trường hợp người thân thích của bị can đặt tiền để bảo đảm.

3. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.”

Như vậy, bạn chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm bao gồm các giấy tờ sau:

- Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

- Chứng cứ, tài liệu thể hiện tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can;

- Tài liệu xác định bị can hoặc người thân thích của bị can đã đặt tiền để bảo đảm;

- Giấy cam đoan của bị can về việc cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Giấy cam đoan của người thân thích của bị can theo quy định tại khoản 5 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đối với trường hợp người thân thích của bị can đặt tiền để bảo đảm.

Về số tiền cần đặt để bảo đảm:

Căn cứ quy định Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về mức tiền đặt để bảo đảm:

“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:

a) Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Vì vậy, trường hợp của anh trai bạn sẽ phải đặt tiền từ 200 triệu đồng trở lên, mức cụ thể sẽ dự vào quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Trường hợp anh trai bạn đang bị Cơ quan điều tra bắt tạm giam, vụ án đang ở giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp sẽ có thẩm quyền phê duyệt.

Xem thêm tại: https://saovietlaw.com/kien-thuc-luat-hinh-su-1/dat-tien-bao-dam-de-khong-bi-tam-giam-doi-voi-toi-pham/

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer