Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Cách đây mấy hôm, tôi có nhận được 30.000.000 đồng chuyển từ một tài khoản lạ đến tài khoản của tôi. Ngày hôm sau, tôi có nhận được một cuộc gọi thông báo từ một số lạ bảo là chuyển nhầm tiền, muốn xin lại. Vì không biết người kia là ai, mà tôi cũng đang thiếu tiền nên tôi cũng đang có ý định sử dụng số tiền này vào việc riêng của mình mà không trả lại. Tôi muốn hỏi, nếu như trường hợp tôi không trả lại tiền bị chuyển khoản nhầm thì có sao không, có bị đi tù không?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời.

Chào bạn. Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự năm 2015

Bộ luật hình sự năm 2015

2. Nội dung tư vấn:

          Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì hiện nay bạn đang nhận được một khoản tiền 30.000.000 đồng được chuyển khoản nhầm vào tài khoản của bạn. Trường hợp này có thể thấy, mặc dù số tiền này do một tài khoản khác chuyển vào tài khoản của bạn, và bạn là người đang chiếm hữu số tiền này, tuy nhiên, số tiền này vẫn không được xác định là tài sản của bạn. Việc chiếm hữu số tiền 30.000.000 đồng chuyển nhầm này được xác định là trường hợp chiếm hữu không ngay tình, bởi Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng đã quy định: “Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Mà theo quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015 thì khi chủ tài khoản chuyển nhầm thì họ có quyền yêu cầu người chiếm hữu không ngay tình - ở đây là bạn, cũng là người đang xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của họ trả lại tiền chuyển nhầm cho họ.

Đồng thời theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì chỉ có chủ sở hữu, hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền theo quy định của pháp luật mới được quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản (Điều 186, 187, 188, 190, 191, 195, 194, 195 Bộ luật hình sự năm 2015). Mà trong trường hợp này, bạn không phải là chủ sở hữu, cũng không được chủ sở hữu ủy quyền quản lý, hay sử dụng, định đoạt với số tiền 30.000.000 đồng chuyển nhầm này, vì vậy bạn không được tự ý sử dụng số tiền này hay cố tình không trả lại cho chủ sở hữu. Nếu bạn tự ý sử dụng hay cố tình không trả lại thì hành vi của bạn được xác định là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu số tiền này.

Trường hợp họ đã yêu cầu trả lại tiền chuyển nhầm mà bạn vẫn cố tình không chịu trả lại mà còn muốn rút ra để sử dụng vào mục đích riêng của mình thì trường hợp này bạn có thể bị truy cứu về tội Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015, được bổ sung bởi điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2017. Cụ thể:

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi được trích dẫn ở trên thì với số tiền 30 triệu đồng chuyển nhầm, trường hợp bạn cố tình không trả lại dù đã được chủ sở hữu yêu cầu thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 2 năm tùy theo từng tính chất, mức độ vi phạm.

        Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mình, bạn nên trả lại khoản tiền này. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác việc trả lại tiền là đúng chủ sở hữu, và tránh những hệ lụy sau này, bạn liên hệ với ngân hàng gần nhất để xác minh về chủ sở hữu, và thực hiện việc trao trả khoản tiền này dưới sự chứng kiến của ngân hàng, và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm sự chứng kiến của cơ quan công an.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer