Một người bạn của tôi đã mạo danh tôi để đi vay tiền qua ứng dụng tín dụng với lãi suất cao, anh ta mạo danh bằng cách làm một chứng minh thư giả giống hệt với chứng minh thư của tôi. Giờ anh ta không có khả năng trả nợ vậy tôi có phải là người trả số tiền kia không và việc làm chứng minh thư giả có vi phạm pháp luật không?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Đối với trường hợp của bạn, vấn đề thứ nhất là về khoản tiền mà người bạn của bạn đã mạo danh bạn để vay. Với hợp đồng vay tài sản, theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015: Quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Ngoài ra, Điều 466 BLDS 2015 cũng quy định bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, trường hợp vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Nhưng trong trường hợp này bạn không cần lo lắng về trách nhiệm trả nợ có thuộc về bạn hay không vì bạn không phải là người trực tiếp vay và ngay cả khi đó là chứng minh thư gốc của bạn mà bị người khác lấy đi mạo danh vay tiền cũng vậy. Bạn cần liên hệ với tổ chức tài chính hoặc nơi cho vay kia thông báo cho họ về việc bạn bị mạo danh và yêu cầu xóa nợ xấu, để tránh việc không được giải quyết thì bạn cần cung cấp chi tiết vụ việc bị giả mạo với bên cho vay.

Vấn đề thứ 2 mà bạn có thắc mắc, đó là về hành vi làm giả chứng minh thư nhân dân. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ thiệt hại gây ra của hành vi đó mà áp dụng các hình thức xử lí khác nhau. Có thể bị xử phạt hành chính hoặc yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi làm chứng minh thư giả mà mức độ, tính chất của hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Cụ thể các hành vi làm chứng minh thư giả sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân;

c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;

c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân;

b) Làm giả chứng minh nhân dân;

c) Sử dụng chứng minh nhân dân giả.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2, Khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

Đối với tính chất và mức độ hành vi nguy hiểm hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, theo những quy định trên thì về khoản vay nợ đó trách nhiệm trả nợ không thuộc về bạn và hành vi làm giả chứng minh thư nhân dân của người bạn kia là vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất mức độ mà sẽ bị áp dụng các chế tài xử lí khác nhau.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer