Em trai tôi chuyên đòi nợ thuê, cầm đầu một nhóm cho vay nặng lãi. Cách đây 3 năm nó bị công an bắt một lần nhưng được hưởng án treo, về nhà nó lại tiếp tục theo con đường cũ. Gia đình không thể can ngăn nên cách đây vài hôm, khi em tôi cùng nhóm đòi nợ thuê đến đập phá, siết nợ một gia đình thì bị công an phục kích bắt được. Lần này, các đồng chí công an nói vụ án rất nghiêm trọng vì có tổ chức và có sử dụng vũ khí nóng, em tôi lại tái phạm nhiều lần. Vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp của em tôi có được hưởng án treo như lần trước không và nếu bị đi tù thì phải đi bao nhiêu năm? Tôi xin cảm ơn rất nhiều.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của em bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”   Ngoài ra, em bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS 2015 nếu đập phá làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu quá trình siết nợ có gây thương tích cho người vay nợ mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng có tính chất côn đồ, có tổ chức thì cũng sẽ bị khởi tố Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định theo Điều 134 BLHS 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Về khả năng em bạn có thể được hưởng án treo hay không thì khả năng này là không thể.

Thứ nhất, em bạn là người "cầm đầu", "tái phạm", "có sử dụng vũ khí nóng" nằm trong diện các đối tượng phải nghiêm trị theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ Luật Hình sự. 

Thứ hai, theo thông tin bạn cung cấp thì vụ án của em bạn có tổ chức, các bị cáo tái phạm nhiều lần, (có thể) phạm nhiều tội danh như phân tích trên của chúng tôi. Do đó theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể tại Điều 3 của Nghị quyết này quy định những trường hợp không cho hưởng án treo bao gồm:
“1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã

3. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi

5. Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.

6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt, bạn đọc nếu còn thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer