Tôi cho người quen vay 1 tỷ để làm ăn, lãi 10%/năm và hẹn trả nợ sau 1 năm nhưng bây giờ đã quá hạn 6 tháng mà người vay vẫn lần lữa mãi không chịu trả. Trong khi đó họ vẫn có tiền đổi xe, ăn chơi du lịch sung sướng. Tôi bức xúc quá nên trong một buổi liên hoan với bạn bè đã kể cho mấy anh em chơi cùng và cũng có hứa hẹn nếu lấy lại được tiền giúp tôi thì tôi biếu anh em 200 triệu. Tôi chỉ nhờ lấy lại tiền chứ không nói gì thêm nhưng sau đó nhóm anh em chơi cùng đã chặn đường đánh người vay tiền tôi và lấy điện thoại người này bắt chuyển khoản số tiền 300 triệu sang tài khoản của tôi. Hôm sau, công an gọi tôi lên làm việc, tôi cũng khai đúng sự thật đã xảy ra nhưng bên công an bảo tôi có thể bị truy cứu là đồng phạm. Xin hỏi luật sư trường hợp này những người kia phạm tội gì và liệu tôi có bị truy cứu TNHS không? Tôi xin cảm ơn.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Trước hết, hành vi đánh người để đòi nợ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người khác. 

Tùy vào hậu quả của hành vi mà người thực hiện có thể bị phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015.

Tuy nhiên nếu mục đích tấn công người khác không chỉ dừng lại ở cố ý gây thương tích mà còn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người đó thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu TNHS về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS 2015: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm….”

Với số tiền chiếm đoạt lên đến 300 triệu đồng thì người phạm tội có thể phải đối mặt với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Mặc dù người bị hại vay tiền của bạn đã quá hạn trả nợ, có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả là hành vi vi phạm pháp luật và bạn cũng có quyền ủy quyền cho người khác thay mình đòi nợ tuy nhiên phạm vi ủy quyền đến đâu và hành động của người được ủy quyền có vượt quá phạm vi ủy quyền hay không lại dẫn đến nhiều vấn đề khác. 

Trường hợp của bạn, nếu không chứng minh được việc bạn không có sự thỏa thuận trước đó với nhóm đối tượng về việc hành hung, cướp tài sản của con nợ và trong quá trình điều tra, nhóm đối tượng đồng loạt khai nhận do bạn chỉ đạo thì có khả năng bạn sẽ bị truy cứu tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm là người tổ chức. Trong rất nhiều trường hợp, người đi thuê để đòi nợ thuê cũng đã bị truy cứu TNHS với vai trò đồng phạm nếu như người đòi nợ thuê vi phạm pháp luật hình sự như đã nêu trên. 

Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và  Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Do hai bên không lập thành hợp đồng dịch vụ, cũng không có văn bản ủy quyền cho nhóm người đi đòi nợ hộ; vì vậy để xác định phạm vi ủy quyền và hành động của nhóm đòi nợ hộ có vượt quá phạm vi ủy quyền của bạn hay không sẽ dựa trên lời khai của bạn và nhóm người đó về thỏa thuận trong buổi liên hoan. Theo thông tin bạn chia sẻ, bạn chỉ nhờ lấy lại tiền mà không thỏa thuận rõ hình thức đòi lại tiền, bạn cũng không yêu cầu nhóm người này hành hung và ép buộc nạn nhân dùng điện thoại chuyển khoản trả lại tiền cho bạn; thì theo quan điểm của chúng tôi bạn không phải là đồng phạm tội cướp tài sản. Tuy nhiên để chứng minh điều này thì lời khai của nhóm đối tượng cũng phải khớp với lời khai của bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer