Tôi có một việc muốn hỏi như sau: Tôi là chủ cửa hàng mỹ phẩm và thời trang. Để giao hàng cho khách thì tôi có thuê một số ship ruột chuyên chạy các tuyến nội thành. Tuy nhiên hôm vừa rồi do đông khách và ship ruột không chạy kịp nên tôi có thuê một ship bên ngoài, qua người quen giới thiệu. Shipper này cầm 4 đơn hàng, tổng giá trị 26 triệu đồng nhưng không ứng tiền trước, vì khách của tôi đều đã chuyển khoản nên shipper chỉ cần thu phí vận chuyển. Tuy nhiên sau đó tôi được khách báo lại, ship giao sai sản phẩm, hàng bị tráo thành đồ giả. Tôi có gọi lại cho shipper nhưng người đó xin lỗi bảo do khó khăn mong được thông cảm, có cơ hội sẽ trả lại sau, sau đó thì tắt máy luôn. Từ đó đến nay tôi đã thông qua nhiều người để tìm nhưng chưa tìm được thông tin của người này. Vậy luật sư cho tôi hỏi shipper này phạm tội gì, sẽ bị xử phạt ra sao?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Hành vi tráo hàng thật thành hàng giả để chiếm đoạt tài sản của người khác có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Một vài tiêu chí để phân biệt giữa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

Tiêu chí

Lừa đào chiếm đoạt tài sản

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Hành vi

Bắt buộc có hành vi gian dối

Thực hiện hành vi gian dối trước thời điểm chuyển giao tài sản.

Có thể có hoặc không có hành vi gian dối

Nếu như có hành vi gian dối thì hành vi này luôn phải thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.

Ý thức chiếm đoạt tài sản

Có ý thức chiếm đoạt tài sản trước khi thực thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

Xuất hiện sau khi có giao dịch hợp pháp, tức là sau khi có được tài sản người phạm tội mới nảy sinh ý định và hành vi chiếm đoạt.

Hình thức phạm tội

Bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản như đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật… nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

Theo quan điểm của chúng tôi, dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phù hợp hơn. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần xác định tài sản bị chiếm đoạt thuộc về khách hàng hay người bán. Theo quy định tại Điều 62 Luật Thương mại năm 2005 về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa:

“Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”

Trường hợp pháp luật có quy định khác ở đây là trường hợp hàng hóa mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hóa đó.

Đối với trường hợp hàng hóa mua bán mà khi giao nhận có thể chuyển dịch được về mặt cơ học như quần áo, giày dép, trang sức, điện thoại… thì quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao cho người mua khi người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.

Trong trường hợp của bạn, hàng đang được giao đến người mua nhưng vẫn chưa đến tay người mua đã bị đánh tráo, vì vậy tài sản bị chiếm đoạt vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn. Bạn được xác định là người bị hại. Việc xác định ai là bị hại có ý nghĩa trong việc xác định tội danh của người giao hàng

Thứ hai, theo bảng phân tích nêu trên, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ý thức chiếm đoạt tài sản phải có trước thủ đoạn gian dối và thủ đoạn gian dối cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ý thức chiếm đoạt xuất hiện sau khi có giao dịch hợp pháp, tức là sau khi có được tài sản người phạm tội mới nảy sinh ý định và hành vi chiếm đoạt.

Đối với trường hợp của bạn, nếu muốn lừa đảo, shipper này phải có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi nhận được hàng từ chủ shop (người bị hại) và phải dùng thủ đoạn gian dối để shop tin tưởng giao hàng cho mình sau đó chiếm đoạt. Tuy nhiên trên thực tế shipper này nhận được hàng thông qua hợp đồng giao nhận hàng hóa (bằng lời nói hoặc tin nhắn) một cách hợp pháp, sau khi nhận được hàng từ shop, nhiệm vụ của shipper là giao hàng, không được phép mở hàng, xem hàng để xác định mặt hàng đó là gì. Tuy nhiên sau khi mở và biết hàng có giá trị cao, shipper mới nổi lòng tham và đánh tráo để chiếm đoạt. Cơ bản có thể xác định shipper có ý định chiếm đoạt tài sản sau khi nhận được hàng hóa và hành vi gian dối (tráo hàng) cũng được thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.

Như vậy, theo phân tích thì việc shipper tráo hàng để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị 26 triệu đồng phù hợp với quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 175 như sau:

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

..."

Như vậy shipper này có thể bị phạt cải tạo đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer