Ngày 7/1/2022, Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố 4 bị can Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của  tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS 2015). Điều đáng nói là mặc dù cả 4 bị can đều bị khởi tố về cùng một tội danh nhưng chỉ có 3 người bị áp dụng biện pháp tạm giam, còn ông Lê Tùng Vân được tại ngoại. Vậy tại ngoại là gì? Vì sao Lê Tùng Vân được tại ngoại trong khi những bị can khác bị tạm giam?

Ảnh minh họa: Internet

Để trả lời cho câu hỏi vì sao Lê Tùng Vân được tại ngoại trong khi những bị can khác bị tạm giam, chúng ta cần xem xét quy định pháp luật về các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam và tại ngoại như sau:

 

Tạm giam

Tại ngoại

Các trường hợp áp dụng

Biện pháp ngăn chặn tạm giam được quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 áp dụng trong các trường hợp:

Trường hợp 1: bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng

Trường hợp 2: bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp 3: bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

 

Tại ngoại là cách nói bình dân để chỉ những trường hợp bị can, bị cáo không bị tạm giam trong quá trình điều tra, xét xử. Căn cứ theo quy định tại Điều 119, 121, 122, 123 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, bị can, bị cáo được tại ngoại nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Trường hợp 2: Bị can, bị cáo đủ điều kiện được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thay thế tạm giam như bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo, cấm đi khỏi nơi cư trú. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan có thẩm quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm.

 

Cho đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc 4 bị can ở Tịnh thất bồng lai bị khởi tố theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 331 BLHS do đó sẽ có 2 trường hợp:

+ Các bị can bị khởi tố theo khoản 1 Điều 331 BLHS 2015 “1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”  - tội phạm ít nghiêm trọng

+ Các bị can bị khởi tố theo khoản 2 Điều 331 BLHS 2015 “2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.” – tội phạm nghiêm trọng

Như vậy, dù bị khởi tố theo khoản 1 ( tội phạm ít nghiêm trọng) hay khoản 2 (tội phạm nghiêm trọng) thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể xem xét và áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can nếu có các yếu tố như không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...và các yếu tố khác được đề cập trong Điều 119 BLTTHS 2015. Riêng trường hợp của ông Lê Tùng Vân (89 tuổi) thuộc nhóm người già yếu nếu xét thấy có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền cho phép bị can được tại ngoại trên cơ sở tinh thần nhân đạo, thượng tôn pháp luật. 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer