Chồng tôi ham mê lô đề cờ bạc nên đã cắm xe máy (xe đó được chồng tôi mua trước khi cưới) ở tiệm cầm đồ để lấy số tiền 20 triệu đồng. Thời hạn vay 1 tháng, tiền lãi và tiền công chứng giấy tờ hồ sơ mất 2 triệu. Gần đến ngày trả lãi, chủ tiệm cầm đồ phát hiện thấy mất xe nên đã trình báo với cơ quan công an. Qua trích xuất camera công an đã tìm ra thủ phạm lấy xe chính là chồng tôi, tại cơ quan công an chồng tôi khai vì không có tiền trả nợ nên gần đến hạn chồng tôi đã đến cửa hàng cầm đồ trộm lại xe rồi đem bán cho một người bạn. Xin hỏi trường hợp chồng tôi trộm lại tài sản của chính mình thì có phạm tội trộm cắp tài sản không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Để trả lời cho câu hỏi: Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của chính mình thì có bị truy cứu TNHS hay không, chúng ta cần làm rõ hai nội dung sau đây:

Thứ nhất, trộm cắp tài sản là gì ? Khi nào hành vi trộm cắp tài sản bị truy cứu TNHS?

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc tài sản thuộc quản lý của người khác thông qua các thủ đoạn như lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác trong quản lý, trông giữ tài sản của chủ sở hữu, người quản lý tài sản.

>> Đối tượng mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là tài sản thuộc sở hữu của người khác hoặc tài sản đang do người khác quản lý. Hậu quả của hành vi trộm cắp tài sản làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.

Tùy theo giá trị tài sản, tính chất, mức độ sự việc, cá nhân thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về Tội Trộm cắp tài sản. Cụ thể:

Trách nhiệm hình sự: một người chỉ bị truy cứu TNHS về Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015 khi thuộc một trong 2 trường hợp sau đây:

+ Trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên

+ Trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Về hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản: người phạm tội trộm cắp tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, tù chung thân, ngoài ra tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 100 triệu đồng.

Trách nhiệm hành chính: cá nhân bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng về hành vi trộm cắp tài sản nếu không thuộc các trường hợp bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015 (điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Thứ hai, trộm cắp tài sản của chính mình thì có phạm tội không?

Từ quy định về tội trộm cắp tài sản, có thể thấy trường hợp cá nhân tự trộm tài sản của chính mình vẫn có thể bị truy cứu TNHS về Tội trộm cắp tài sản khi:

+ Tài sản đó đang thuộc sự quản lý hợp pháp của người khác - Người quản lý tài sản hợp pháp là trường hợp cá nhân được chủ sở hữu tài sản giao cho để trông coi hoặc được sự ủy quyền từ chủ sở hữu tài sản để thực hiện một số công việc nhất định theo thỏa thuận.

+ Và có các căn cứ xác định giá trị tài sản định chiếm đoạt trên 2 triệu hoặc dưới 2 triệu nhưng thuộc các trường hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự

>> Với trường hợp bạn đề cập, chồng bạn đã cầm cố xe máy tại tiệm cầm đồ lấy số tiền 20 triệu đồng. Điều này có nghĩa là chồng bạn đã chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho tiệm cầm đồ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ số tiền 20 triệu đồng + tiền lãi trong thời hạn trả nợ 01 tháng (xem thêm tại Tiểu mục 2 về cầm cố tài sản quy định từ Điều 309 => Điều 316 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó, kể từ thời điểm cầm cố, chủ tiệm cầm đồ sẽ trở thành người quản lý hợp pháp tài sản, có quyền khai thác công dụng, xử lý tài sản cầm cố theo thỏa thuận/pháp luật. Chồng bạn mặc dù là chủ sở hữu xe máy trên các giấy tờ nhưng đã bị hạn chế quyền sở hữu trong thời gian cầm cố. Vì vậy, trường hợp này chồng bạn sẽ bị truy cứu TNHS về Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer