Chào Luật sư. Em trai tôi vì mâu thuẫn, xích mích cá nhân nên đã rủ thêm người chặn đánh một bạn khóa dưới khiến bạn này bị gẫy tay, rạn xương dường, hiện đang phải điều trị trong bệnh viện. Khi biết tin, gia đình tôi cùng cháu đã đến xin lỗi và gửi tiền hỗ trợ chi phí điều trị, tuy nhiên bên kia kiên quyết từ chối. Nếu vậy khi ra tòa em tôi có được hưởng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” không?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”là một trong những tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và được hướng dẫn tại mục 1 Nghị quyết 01/2006/NQ – HĐTP, cụ thể như sau:

“…c.Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người  bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

d. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;…”

Như vậy, trường hợp em trai bạn cùng gia đình đã đến xin lỗi, chủ động bồi thường nhưng nạn nhân, gia đình nạn nhân từ chối, kiên quyết không nhận thì em bạn vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS nói trên nếu đáp ứng một trong 2 yếu tố sau đây:

  • Chứng minh được việc tự nguyện bồi thường mà bị hại hoặc gia đình bị hại từ chối nhận + sẵn sàng thực hiện bồi thường khi có yêu cầu
  • Hoặc đã giao số tiền đó cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc bồi thường thiệt hại

Cũng cần lưu ý về yếu tố “tự nguyện bồi thường” phải xảy ra trước khi Tòa tuyên án (thuộc cấp xét xử nào thì coi là tình tiết giảm nhẹ ở cấp đó) và được hiểu như sau:

  • Người phạm tội, người đại diện/người giám hộ của người phạm tội dưới 18 tuổi tự nguyện bồi thường mà không chịu tác động từ các nhân tố khác
  • Tự nguyện bồi thường bao gồm cả trường hợp:

+ Người phạm tội không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra

+ Và người phạm tội mặc dù không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả

  • Riêng trường hợp người phạm tội không tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nếu những người này đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội thì được xem là tình tiết giảm nhẹ khác chứ không được xem là tự nguyện bồi thường.

Trên đây là hướng dẫn của Nghị quyết 01/2006 trích dẫn theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999. Từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào thay thế Nghị quyết 01/2006 mà chỉ có Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 giải thích về tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” liên quan đến các tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ…Do đó hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc áp dụng quy định tại Nghị quyết 01/2006 như chưa thống nhất được mức bồi thường tối thiểu để được xem là tình tiết giảm nhẹ TNHS.

Vì vậy, chúng tôi khuyên gia đình bạn nên mời Luật sư sớm nhất có thể để bảo vệ quyền lợi cho em của bạn. Bằng những nghiệp vụ của mình, Luật sư có thể nắm rõ nội dung vụ việc và đưa ra phương án xử lý đảm bảo quyền lợi cho thân chủ của mình.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer