Nuôi nhốt hổ, nuôi hổ như nuôi heo…đã trở thành một trong những cụm từ có mức độ tìm kiếm cao nhất trong những ngày vừa qua. Theo các trang báo đưa tin, sáng 4/8, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã kiểm tra và bắt quả tang hai hộ gia đình thuộc địa bàn huyện Yên Thành nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ Đông Dương. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, hổ được nuôi nhốt trong các chuồng sắt dưới các tầng hầm kín thuộc khuôn viên của các hộ gia đình với trọng lượng mỗi con hổ từ 200 – 265kg.

Ảnh minh họa: Internet

Liên quan đến vấn đề này, nhiều người tỏ ra lo lắng, hoang mang vì hổ không phải vật nuôi bình thường, hơn nữa, việc nuôi hổ ngay trong nhà tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro. Vậy theo quy định pháp luật, người dân có được phép nuôi hổ trong nhà không? Những trường hợp nuôi nhốt hổ trái phép có thể bị xử lý như thế nào?

Hổ (tên khoa học là Panthera tigris) nằm trong danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm  đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, được xếp vào nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt) theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Cũng theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, việc nuôi hổ nói riêng và các loài động vật rừng nguy cấp khác nói chung phải đảm bảo các  quy chuẩn về nguồn giống hợp pháp, cơ sở vật chất như chuồng, trại phải được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; đồng thời bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; có phương án nuôi theo quy định của cơ quan chuyên môn…

Hiện nay trên cả nước mới chỉ có một số cơ sở được cấp phép nuôi thí điểm bảo tồn hổ điển hình nhất là cơ sở nuôi Thanh Cảnh ở tỉnh Bình Dương, Công ty Bia Thái Bình Dương (thị xã Dĩ An) và Khu Du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một)… Hổ đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, và cần được bảo tồn, do đó việc nuôi nhốt hổ nếu không thuộc các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đều coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp có hành vi nuôi nhốt hổ trái phép, tùy theo tính chất, mức độ, số lượng cá thể bị nuôi nhốt, cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 400 triệu đồng theo Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP hoặc bị truy cứu TNHS về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 244 BLHS 2015 như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;

c) Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;

d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;

đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;

e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer