Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một vấn đề như sau: Thời gian gân đây, khi nghiên cứu các tài liệu tâm lý, tôi thấy có nhiều vụ án ám ảnh được gây ra bởi hành vi phạm tội của người bị “đa nhân cách”. Tôi có một thắc mắc, theo pháp luật Việt Nam, khi một người thực hiện hành vi phạm tội là người bị đa nhân cách thì họ có bị xử lý hình sự không? Mong được giải đáp. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Về căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự năm 2015

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015

Bộ luật dân sự năm 2015

2. Nội dung tư vấn:

Bệnh “đa nhân cách” (tên tiếng Anh: DID - Dissociative identity disorder - rối loạn phân ly nhân cách) được biết đến trong y học là một hội chứng rối loạn tâm thần, mất kiểm soát “nhân cách con người”. Chứng bệnh này có dấu hiệu giống bệnh tâm thần nhưng không mang đầy đủ đặc trưng của của bệnh tâm thần. Trong bệnh đa nhân cách, người bệnh chịu ảnh hưởng và chi phối của ít nhất hai nhân cách độc lập, với trạng thái nhận thức và suy nghĩ độc lập. Các nhân cách sẽ thay phiên chế ngự, điều khiển lối sống và hành vi của người bệnh mà khi nhân cách này ngự trị thì người bệnh không có bất kỳ ký ức gì về các hành động của các nhân cách cũ, và bị “chứng mất trí nhớ, vượt xa sự “đãng trí thông thường” (nguồn Wikipedia).

Hiện nay, trên thực tế cho thấy, chứng rối loạn đã nhân cách là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, khi những nhân cách chi phối có thể khiến bệnh nhân tự làm hại mình và làm hại người khác, mặc dù bản thân người bệnh “ở nhân cách chính” không ý thức được, không biết việc bản thân đã làm khi ở “bản thể nhân cách khác”. Có thể kể đến trường hợp của hai sát nhân hàng loại Kenneth Bianchi và Angelo Buono, mắc bệnh đa nhân cách, gây ra 10 vụ sát hại tại Los Angeles (từ tháng 10/1977 – tháng 2/1978. Đây cũng là bệnh lý gây “tranh cãi” rất nhiều trong giới y học và pháp luật.

Vậy, tại Việt Nam khi người đa nhân cách phạm tội có bị xử lý hình sự?

Trên thực tế, về vấn đề này, việc tội phạm là người bị đa nhân cách không phổ biến, mà pháp luật cũng không quy định riêng về đối tượng này. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm khi người đó đáp ứng các yếu tố cấu thành của tội phạm đó. Trong đó, về cơ bản, chủ thể của tội phạm phải là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự năm 2017) và phải có năng lực trách nhiệm hình sự.

Trong đó năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là trường hợp người phạm tội là người có đầy đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội vì bị bệnh mà không có có năng lực trách nhiệm hình sự thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó:

“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Quay lại vấn đề người phạm tội là người đa nhân cách, như đã phân tích, đây là chứng bệnh không dễ dàng phát hiện và khó kiểm chứng nếu không có thời gian tiếp cận lâu dài với người bệnh, và sự tham gia của bác sĩ tâm lý chuyên khoa. Đồng thời trên thực tế, có những trường hợp người phạm tội thực sự bị bệnh, bị chi phối bởi “bản thể nhân cách khác” mà gây ra hành vi phạm tội, nhưng cũng có trường hợp, người phạm tội “giả vờ” tạo ra con người khác với bản thân mình. Mà việc người phạm tội “bị bệnh đa nhân cách” không đồng nghĩa với việc họ mất năng lực trách nhiệm hình sự, khi bản thân “mỗi bản thể nhân cách” đều có sự độc lập suy nghĩ riêng. Hơn nữa, bên cạnh lời khai thì những chứng cứ khác (như dấu vân tay, dấu vết để lại...) đều phản ánh đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người phạm tội.

Chính vì vậy, dù người phạm tội là người đa nhân cách thì khi xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của họ thì đều cần phải tiến hành giám định pháp y tầm thần, trên cơ sở tham khảo với các bác sĩ tâm lý để xác định trạng thái nhận thức, điều khiển hành vi của “bản thể nhân cách” của người này khi thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp sau khi giám định xác định, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội người này bị mất năng lực nhận thức, điều khiển hành vi do bị bệnh “đa nhân cách” dẫn đến việc phạm tội thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 21 BLHS 2015. Trường hợp họ không thuộc trường hợp nêu trên thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội của mình, không phân biệt họ có bị bệnh “đa nhân cách” hay không.

Như vậy, có thể thấy, tùy vào việc đánh giá khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của người phạm tội tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mà người bị mắc bệnh đa nhân cách có thể chịu phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình hoặc không.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Vui lòng liên hệ tư vấn và sử dụng dịch vụ của Công ty Luật TNHH Sao Việt tại:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer