Tôi có mua lại một căn hộ chung cư của em họ và cả 2 bên đã làm xong hợp đồng mua bán và đã làm thủ tục chuyển nhượng căn hộ, sổ đỏ đã sang tên cho tôi. Căn hộ đó là tài sản thừa kế của em họ tôi do bố để lại theo di chúc, vừa qua người anh trai cả nói tìm thấy bản di chúc khác có hiệu lực sau bản cũ và nội dung thì căn hộ đó không được đề cập đến trong di chúc là để cho người em họ đó của tôi hay cho ai trong gia đình. Trong trường hợp này thì hợp đồng mua bán trước đây của tôi có bị vô hiệu, hủy bỏ hay không?

Trả lời:

Trong trường hợp của bạn dưới góc độ pháp lý nhìn nhận thì đây là trường hợp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Điều mà bạn đang quan tâm đó là việc căn hộ mà bạn thực hiện giao dịch mua bán, sau khi mua bán không thể xác định người bán cho bạn có phải là chủ của căn hộ không và điều đó có dẫn đến việc giao dịch dân sự đó vô hiệu và bị hủy bỏ hay không.

Vấn đề về thừa kế trong di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Di chúc có thể bị sửa đổi, hủy bỏ theo ý chí và nguyện vọng của người lập di chúc đó. Theo quy định tại Điều 640 Bộ luật dân sự 2015:

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Trường hợp gia đình của em họ bạn, bố của người em họ đó là người lập di chúc nhưng không chỉ có 1 bản di chúc, theo quy định tại Khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015: “khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”.

Tuy nhiên, bản di chúc sau cùng được tìm thấy lại không đề cập đến việc căn hộ đó được chia cho ai, ai là người được hưởng thừa kế căn hộ đó thì trong trường hợp này căn hộ đó là tài sản được chia theo pháp luật. Theo quy định tại  Khoản 2 Điều 650 của Bộ luật dân sự 2015 quy định thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Giao dịch dân sự có bị vô hiệu hay không

Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015:

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.

Từ những quy định trên có thể thấy giao dịch mua bán căn hộ trước đó mà bạn và em họ đã thực hiện sẽ không bị vô hiệu. Căn hộ đã được sang tên chủ sở hữu cho bạn, gia đình người em họ cũng không có quyền đòi lại căn hộ đó từ bạn.

Đối với trường hợp này, giao dịch của bạn không bị vô hiệu hay gặp vấn đề gì về tranh chấp, người em họ có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã bán căn hộ cho gia đình để gia đình thực hiện việc chia tài sản đó theo pháp luật hiện hành.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer