Linh Đan: Tôi là đương sự trong một vụ án dân sự với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tôi có yêu cầu độc lập mong muốn tòa án giải quyết. Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng tôi nên khởi kiện bằng một vụ án riêng để Tòa giải quyết yêu cầu của tôi theo quy định của pháp luật. Vấn đề đáng nói là việc giải quyết vụ án hiện tại có ảnh hưởng tới quyền lợi của tôi trong yêu cầu độc lập. Thưa luật sư, tôi có nên rút đơn yêu cầu độc lập hay không? Nếu không thì tôi nên giải quyết như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp, xin cảm ơn!

                                                                             Nguồn ảnh: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hoặc trong trường hợp không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng, thì Tòa án xem xét đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng nếu xét thấy việc giải quyết vụ án có ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Về bản chất, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một yêu cầu khởi kiện, do đó có thể khởi kiện thành một vụ án độc lập. Tuy nhiên, nếu tách ra để khởi kiện thành một vụ án riêng thì sẽ không bảo vệ kịp thời quyền lợi của họ, nên yêu cầu này cần phải được giải quyết trong một vụ án để nhằm giải quyết nhanh hơn, chính xác hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 73, khoản 1 Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về phạm vi yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì họ có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn. Theo đó, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể đối với nguyên đơn hoặc bị đơn.

Theo khoản 1 Điều 201 BLTTDS 2015, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chấp nhận khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện gồm:

+ Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

+ Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

+ Việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh và chính xác hơn.

Thời điểm đưa ra yêu cầu độc lập là trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Yêu cầu độc lập phải xuất phát từ tính cần thiết của nội dung yêu cầu và nên xem xét trong từng tình huống pháp lý cụ thể. Khi giải quyết yêu cầu Tòa phải chú ý đến tính chất ngay tình và quyền đương nhiên của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan…

Thủ tục yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đã được hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng sau đây: “Thủ tục yêu cầu độc lập được thực hiện như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn quy định tại các điều 164, 165,166,167,168,169 và 170 của BLTTDS và hướng dẫn tại các điều 5,6,7,8 và 9 của Nghị quyết này”.

- Trường hợp bạn tự nguyện rút toàn bộ hoặc một phần yêu cầu độc lập của mình để tách thành một vụ án khác thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự đã rút.

Sau khi rút yêu cầu độc lập, bạn có quyền khởi kiện thành một vụ án độc lập để yêu cầu Tòa án xét xử nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, hiện vụ án mà Tòa án đang giải quyết có ảnh hưởng tới quyền lợi nghĩa vụ của bạn. Vì vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình bạn nên suy xét thật kỹ trong việc rút đơn để khởi kiện một vụ án riêng. Bởi, nếu rút sẽ mất nhiều thời gian để khởi kiện một vụ án riêng nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.

Mặt khác, vì việc giải quyết vụ án hiện tại có ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn nên nếu bạn rút đơn sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn, cụ thể là kết quả của bản án sẽ được thi hành án nhưng quyền lợi của bạn sẽ được Tòa xem xét bằng vụ án sau đó.  

- Trường hợp bạn không rút yêu cầu độc lập hay nói cách khác bạn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì yêu cầu của bạn cũng được coi là một yêu cầu khởi kiện. Khi yêu cầu độc lập được giải quyết trong cùng vụ án thì quyền, lợi ích của bạn được bảo vệ, Tòa án sẽ phải xem xét, cân nhắc để quyết định giải quyết vụ án hợp lý đúng theo quy định của pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự đồng thời giải quyết triệt để vấn đề phát sinh trong tố tụng.

+ Yêu cầu độc lập phải được đưa ra trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau khi Tòa án nhận được đơn của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì ngày thụ lý vụ án để tính thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án đó được xác định như sau:

Trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày Tòa án nhận được đơn về yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gửi kèm tài liệu chứng cứ.

Trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Sau khi được Tòa án thụ lý thì bạn tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và được Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, không phải trong bất kì trường hợp nào người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn yêu cầu độc lập cũng nên giữ nguyên đơn yêu cầu của mình. Tuy nhiên, hầu hết, việc tách riêng đơn yêu cầu độc lập ra thành một vụ án khác để Tòa án giải quyết phần nhiều sẽ rất mất thời gian và rất nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người có yêu cầu. Vì vậy, tốt nhất là nên đặt êu cầu đó trong cùng một vụ án, cùng một hoàn cảnh để Tòa có thể xem xét vấn đề một cách toàn diện và giải quyết một cách triệt để, chính xác nhất.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer