Nhà chúng tôi trồng 2 sào ngô đang mùa chuẩn bị trổ bông xanh tốt. Vào giữa trưa tháng 8/2019 đàn bò nhà ông B tầm 10 con chăn thả không biết vì sao nhưng tuột dây cắm mốc chạy vào ăn hết đám ngô nhà tôi và nhà một số hộ dân bên cạnh, công sức bao lâu giờ đã bị đàn bò ăn hết. Đàn bò này mấy lần trước cũng có qua ăn của tôi và một số hộ dân khác nhưng chưa đáng kể nên chúng tôi bỏ qua, nhưng sự việc này đã xảy ra nhiều lần gây thiệt hại. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này ông B phải chịu trách nhiệm như thế nào với gia đình tôi và những hộ dân còn lại?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:
Hành vi chăn thả gia súc nhưng để gây hại đến tài sản của người khác đã vi phạm quy định của Bộ luật dân sự 2015 và trách nhiệm mà ông B phải chịu thuộc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015.
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Mặt khác, theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:
“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại của gia đình bạn và ông B có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 585 Bộ luật dân sự 2015)
Ngoài ra, ông B có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng vì hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243
E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com