Hiện nay, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Biến đổi khí hậu đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất. Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Là quốc gia có đường bờ biển dài 3260 km, hằng năm, nước ta phải hứng chịu mùa mưa bão kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12, với những cơn bão hình thành từ Biển Đông di chuyển và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhất là các tỉnh ven biển. Khi đổ bộ, bão gây ra hàng loạt hậu quả nặng nề cả về người và tà sản. Không những thế hoàn lưu mưa sao bão cũng gây hậu quả không kém lúc đổ bộ như làm bật gốc gây đổ vào người đi đường, tốc mái nhà, lụt lội,…
Vừa qua, do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, một cây xanh bên đường bị gió thổi bật gốc đè trúng một người và xe đi đường khiến nạn nhân điều kiển xe gắn máy trên đường bị tử vong trên đường đi cấp cứu. Vụ việc khiến nạn nhân bị thân cây đè trọng thương. Dù được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong không lâu sau đó. Chiếc xe máy cũng bị thân cây đè bẹp hư hỏng nặng.
Vậy câu hỏi đặt ra là: “Cây xanh đè chết người thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Pháp luật có quy định về bồi thưởng thiệt hại do cây cối gây ra. Theo đó, căn cứ theo Điều 604 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.”
Do đó, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cây xanh gãy đổ trên đường có thể khởi kiện Công ty cây xanh để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe,… được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên cần lưu ý, một số trường hợp dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Cùng với đó luật cũng quy định như thế nào là sự kiện bất khả kháng theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách
khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”
Như vậy, khi cây xanh gãy đổ gây thiệt hại thì cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý trông coi cây xanh đã thực hiện hay chưa, thuộc một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp như cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ,…
Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
Về bồi thường thiệt hại thì luật không bắt buộc phải thực hiện việc bồi thường, nhưng các bên có thể thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho bên bị thiệt hại.
Trường hợp 2: Cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh thực hiện không đúng trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Căn cứ theo quy định tại điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”.
Do đó, nếu cơ quan quản lý trông coi cây xanh không thực hiện việc cắt tỉa cây, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ theo quy định, mà cây gãy đổ gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Về mức bồi thường được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Ngoài ra, chủ xe được bồi thường thiệt hại khi bị cây đổ nếu mua bảo hiểm thiệt hại vật chất xe của các đơn vị bảo hiểm. Đây là sản phẩm khá phổ biến, bảo hiểm cho những tổn thất do tai nạn bất ngờ, những trường hợp ngoài kiểm soát của chủ xe như: đâm va, lật đổ; hỏa hoạn; tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; vật thể từ bên ngoài tác động.
Mức bồi thường tổn thất đối với trường hợp xe bị hư hại do thiên tai phải được căn cứ vào thiệt hại thực tế sau khi giám định thiệt hại tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm để bồi thường cho chủ xe theo quy định tại Điều 16 Quy tắc bảo hiểm về bồi thường tổn thất.