Vợ chồng tôi kết hôn và vào miền Nam làm ăn. Trong một lần, chồng tôi về thăm quê nội thì không may bị tai nạn giao thông và qua đời (không để lại di chúc). Thời điểm đó tôi đang có bầu và chuẩn bị sinh con. Nghe tin anh mất nhưng vì bụng mang dạ chửa, quê nội lại xa xôi cách trở nên tôi không thể về quê lo hậu sự cho anh được. Sau đó một thời gian, khi con tôi đã cứng cáp hơn, tôi đưa cháu về quê và định sống luôn tại đây. Về đến nơi tôi mới hay tin toàn bộ đất đai nhà cửa trước đây anh mua để khi vợ chồng tôi về quê sống đã bị phân chia hết. Tôi được chia một phần trong số di sản của anh nhưng con tôi lại không có. Họ bảo vì lúc mở thừa kế con tôi chưa được sinh ra nên không có suất. Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này con tôi có được quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế của bố không? Và tôi phải làm thủ tục gì để lấy lại quyền lợi cho con tôi?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Thứ nhất, người có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế:

Căn cứ theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Xét trong trường hợp tranh chấp chia thừa kế thì người thừa kế là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nên họ có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế tương xứng với phần được hưởng. Những người thừa kế gồm:

+  Người được chia di sản theo di chúc

+ Người thừa kế thuộc các hàng thừa kế

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

(Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật)

Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Đối với cá nhân, để trở thành người thừa kế thì phải đáp ứng điều kiện cơ bản theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 gồm:

+ Còn sống vào thời điểm mở thừa kế (Thời điểm mở thừa kế thường là thời điểm người có tài sản chết)

+ Hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai nhi trước khi người để lại di sản chết

 >> Như vậy, nếu con bạn sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai nhi trước khi chồng bạn chết thì con bạn đương nhiên là một trong những người thừa kế di sản của chồng bạn. Do đó bạn hoàn toàn có quyền thay con đòi lại phần di sản thừa kế mà đáng ra con được hưởng. Chồng bạn mất không để lại di chúc, vì vậy toàn bộ di sản sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: bạn, con bạn, cha, mẹ đẻ của chồng, cha mẹ nuôi, con nuôi của chồng (nếu có).

Nếu những người thừa kế của chồng bạn tự ý phân chia di sản thừa kế mà không có sự thống nhất ý kiến của bạn hoặc con bạn không được hưởng di sản thừa kế thì bạn có thể làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân huyện nơi cư trú của chồng bạn yêu cầu chia lại di sản thừa kế.

Hồ sơ gồm:

- Đơn khởi kiện;

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện:

 + Giấy chứng tử, quyết định Tòa án tuyên bố người để lại di sản đã chết;

 + Bản kê khai di sản;

 + Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản thừa kế: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh của con…

 + Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với di sản của người để lại di sản

Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

 a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

 b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;

 c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

 d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 623 BLDS 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Có thể bạn quan tâm: Thai nhi có được thừa kế di sản khi bố đã mất không?

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer