Quyền hình ảnh là quyền nhân thân của mỗi người, quyền năng này không bị phân biệt hay giới hạn bởi bất kỳ yếu tố nào như tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp…Do đó trẻ em cũng là đối tượng được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, trẻ em đang là đối tượng đứng trước nguy cơ bị xâm phạm quyền hình ảnh nhiều nhất bởi trẻ em vốn thuộc nhóm yếu thế, chưa đủ khả năng và nhận thức để tự bảo vệ mình nên rất dễ bị lợi dụng, xâm phạm.

1, Quy định pháp luật về quyền hình ảnh trẻ em:

Hình ảnh trẻ em được xem là một trong những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em được quy định tại Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP, cụ thể:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Bên cạnh đó, Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2, Trường hợp nào đăng hình ảnh trẻ em lên mạng bị xử phạt

Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội đều bị xử phạt. Để xác định một trường hợp đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội có vi phạm quy định pháp luật hay không cần làm rõ 2 yếu tố:

Yếu tố 1: Việc đăng ảnh có thuộc trường hợp phải xin phép hay không?

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 thì các trường hợp đăng hình trẻ em lên mạng không phải xin phép người có hình ảnh hoặc người có đại diện theo pháp luật của họ, cụ thể:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Yếu tố 2: Nếu thuộc trường hợp phải xin phép thì người đăng ảnh đã thực hiện xin phép hay chưa? Đối tượng xin phép là ai?

Theo quy định của Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP, tùy vào độ tuổi của trẻ mà việc đưa hình ảnh của trẻ lên mạng phải xin phép những chủ thể khác nhau, cụ thể:

- Đối với trẻ dưới 07 tuổi: phải xin phép cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

- Đối với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên: phải xin phép cha, mẹ, người chăm sóc và trẻ em đó.

Như vậy, chỉ những trường hợp tự ý đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội trong trường hợp buộc phải xin phép nhưng chưa được sự cho phép của một số chủ thể nhất định thì mới bị xem là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

3. Chế tài xử lý đối với hành vi đăng hình trẻ em lên mạng trái phép

Tự ý đăng ảnh trẻ em lên mạng trái phép là một trong những hành vi bị nghiêm cấm  theo Khoản 11 Điều 6 Luật trẻ em 2016: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Tùy theo tính chất, mức độ, người nào có hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi, hình ảnh cá nhân, địa chỉ, kết quả học tập,...thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải xin lỗi khi có yêu cầu xin lỗi và thu hồi, xóa, gỡ bỏ các hình ảnh đã đăng tải. (Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer