Mượn tiền không trả, người vay tiền có nguy cơ sẽ phải đi tù nếu việc vay tiền có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, nhiều người vì đã quá túng quẫn, hoặc vì không muốn trả tiền nên thà chấp nhận “đi tù” chứ không trả nợ cho người khác.  Vậy việc chịu trách nhiệm hình sự (đi tù) có khiến trách nhiệm dân sự (trả nợ) được xóa bỏ hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một hành vi vi phạm sẽ có nhiều mức độ và tùy theo mức độ mà pháp luật có những quy phạm pháp luật khác nhau để điều chỉnh. Ví dụ hành vi vay tiền làm phát sinh quan hệ dân sự giữa người cho vay và người vay, khi người vay tiền vi phạm nghĩa vụ trả nợ ở mức độ “nhẹ” như số tiền không quá lớn, người vay không có hành vi gian dối để vay và không trả, cũng không phải có tiền mà cố tình không trả thì khi đó việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ của người vay chỉ dừng lại ở vấn đề tranh chấp dân sự (chưa có dấu hiệu hình sự và cũng không vi phạm hành chính). Ở mức độ nặng hơn, người vay có tiền nhưng không trả hoặc cố tình gian dối để lừa gạt tiền của người cho vay nhưng số tiền “quỵt nợ” không lớn (luật hình sự quy định nhỏ hơn 2 triệu) thì người vay đã vi phạm pháp luật nhưng vẫn ở mức độ có thể xử phạt hành chính, chưa nghiêm trọng đến mức xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu vi phạm nghiêm trọng hơn hoặc tái phạm khi đã từng bị xử phạt hành chính thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi thực hiện một hành vi vi phạm, hành vi đó sẽ làm phát sinh không chỉ một mà nhiều trách nhiệm pháp lý. Ví dụ: Hành vi lợi dụng lòng tin vay tiền của người khác rồi cố tình không trả (mặc dù có khả năng trả được) sẽ bị truy cứu TNHS nếu số tiền chiếm đoạt trên 2 triệu đồng, ngoài ra, người phạm tội còn phải thực hiện trách nhiệm dân sự (trả nợ + lãi) cho người bị hại.
Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một người không đồng nghĩa với việc miễn thực hiện nghĩa vụ dân sự của người đó. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

Như vậy, việc đi tù về hành vi vay tiền không trả (lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) không giúp người vay tiền được xóa nợ, thậm chí người vay tiền cũng không được lấy lý do đi tù để “chậm trả nợ” do luật quy định Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Vậy người vay phải trả nợ như thế nào khi đang chấp hành án phạt tù?

Trường hợp này, người vay có thể ủy quyền cho người nhà trả nợ thay hoặc xin chủ nợ cho hoãn nghĩa vụ trả tiền chứ không mặc định được hoãn trả nợ khi đang chấp hành án tù. Điều 354 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ như sau:

“Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ….”

Ngoài ra, việc xin hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng phải được chủ nợ đồng ý

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer