Con rể tôi cần tiền để đầu tư kinh doanh nên muốn vay ngân hàng 300 triệu đồng. Tuy nhiên vì 2 vợ chồng cháu mới cưới nên không có tài sản, con rể đã nhờ tôi đứng ra ký hợp đồng thế chấp căn nhà 3 tầng đang sinh sống (căn nhà là tài sản riêng của tôi) cho ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay nêu trên.

Nay đến hạn hợp đồng vay, nhưng con rể tôi làm ăn thua lỗ nên không có tiền trả lãi và gốc cho ngân hàng. Ngân hàng đã gửi thông báo cho tôi và các con, yêu cầu con tôi thanh toán các khoản tiền trong một khoảng thời gian nhất định, nếu không họ sẽ phát mại căn nhà của tôi.

Tôi rất lo lắng, tôi muốn hỏi nếu con tôi không trả đủ tiền cho ngân hàng thì họ phát mãi tài sản của tôi không? Khi ngân hàng lấy nhà của tôi thì có phát sinh trách nhiệm của con rể đối với tôi không vì nguyên nhân tôi mất nhà là do con rể không trả được nợ? Liệu có cách nào để ràng buộc trách nhiệm này hay không? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý:
  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Nghị định 21/2021/NĐ-CP
  1. Nội dung tư vấn:

Hiện nay Luật dân sự cho phép bên thứ ba có thể dùng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ của người khác. Điều đó được thể hiện gián tiếp qua các quy định về thế chấp, cầm cố tài sản. Theo đó bên cầm cố, thế chấp có thể dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm nghĩa vụ của chính bản thân hoặc nghĩa vụ của người khác.

Mặt khác tại Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP cũng quy định: Người có nghĩa vụ được bảo đảm có thể đồng thời hoặc không đồng thời là bên bảo đảm.

Về nguyên tắc xử lý trong trường hợp bên thứ ba dùng tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác: căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản.

Như vậy, khi bạn đã ký kết hợp đồng thế chấp căn nhà với ngân hàng để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của con rể thì việc xử lý căn nhà sẽ tương tự các trường hợp thế chấp thông thường.

Theo Điều 299 BLDS năm 2015, khi “đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ” thì bên nhận bảo đảm – tức bên ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo theo phương thức mà 2 bên đã thỏa thuận như bán đấu giá tài sản; để bên nhận đảm bảo tự bán tài sản hoặc nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và phương thức khác (Điểu 303 BLDS năm 2015).

=>> Với trường hợp của bạn, hiện tại con rể bạn không có khả năng trả nợ dù ngân hàng đã hối thúc nhiều lần. Trường hợp quá hạn chót theo thông báo của ngân hàng mà con rể bạn không hoàn tất việc trả nợ thì ngân hàng hoàn toàn có quyền phát mại căn nhà theo quy định của pháp luật.

Về việc xác định trách nhiệm giữa con rể và bạn – trên phương diện pháp lý là người có nghĩa vụ và bên bảo đảm:

Mặc dù bạn không vay mượn tiền của ngân hàng và không phát sinh nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng, tuy nhiên bạn đã thế chấp căn nhà cho ngân hàng để đảm bảo khoản vay của con rể bạn. Vì vậy trên pháp luật chỉ phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa bên thế chấp (bạn) với bên ngân hàng (bên nhận thế chấp), chứ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa bạn (bên thế chấp) và con rể (người có nghĩa vụ).

Do đó nếu giữa bạn và con rể không có thỏa thuận nào khác, thì khi ngân hàng phát mại tài sản thì sẽ dẫn đến việc bạn bị mất nhà, nhưng con rể của bạn không liên quan, và không phát sinh nghĩa vụ hay trách nhiệm với bạn từ việc phát mại tài sản này.       

        Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể cho con rể vay tiền để trả khoản nợ của ngân hàng (việc vay nợ nên thể hiện dưới dạng văn bản có chữ ký, có người làm chứng hoặc công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý). Sau khi hoàn tất việc trả nợ, ngân hàng sẽ tiến hành thủ tục giải chấp căn nhà. Ngoài ra bạn và các con có thể thỏa thuận thống nhất với nhau về việc xác định trách nhiệm của con rể khi ngân hàng phát mại ngôi nhà trên phương diện tình cảm.  

 

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer