Tình huống: Năm 2010 gia đình tôi có họp gia đình và bố mẹ tôi có quyết định tặng cho tài sản là căn nhà kèm quyền sử dụng đất mà gia đình tôi đang ở. Bố mẹ tôi thực hiện lập biên bản họp gia đình với nội dung tặng cho tài sản trên cho 3 người con ruột quản lý, sử dụng và việc lập biên bản hoàn toàn tự nguyện không bị cưỡng ép. Khi lập biên bản họp gia đình có sự chứng kiến của hai người chú của tôi. Năm 2019, bố mẹ tôi đòi lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên. Luật sư hãy tư vấn giúp tôi về việc biên bản họp gia đình trên có giá trị như hợp đồng tặng cho không?

                                                          Nguồn ảnh: internet.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:

Biên bản họp gia đình là văn bản được lập nhằm ghi nhận lại nội dung cuộc họp của hộ gia đình. Trong biên bản họp gia đình của gia đình bạn có ghi nhận về vấn đề tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là căn nhà.

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”

Trong trường hợp này, bố mẹ bạn tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ba người con được coi là một giao dịch dân sự.

Căn cứ quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015  quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Như vậy, việc họp gia đình của gia đình bạn đã được bố mẹ bạn lập thành biên bản hoàn toàn tự nguyện không bị ép buộc, trong đó có ghi nhận nội dung tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ba người con. Do đó, việc tặng cho này là một giao dịch dân sự và đã được thể hiện dưới văn bản (biên bản họp gia đình).

Biên bản họp gia đình của gia đình bạn để được xem như là một hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thì ngoài phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự còn phải đáp ứng điều kiện về hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 167 luật đất đai 2013 quy định:

 “Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”

Theo đó, để biên bản họp gia đình của bố mẹ bạn được coi là hợp đồng tặng cho thì phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này biên bản họp gia đình của gia đình bạn không được công chứng chứng thực, mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải công chứng chứng thực thì phải tiến hành công chứng chứng thực mới có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, giao dịch tặng cho tài sản của bố mẹ bạn cho ba người con thông qua biên bản họp gia đình không có giá trị pháp lý, do không đáp ứng được quy định về hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer