Tôi có một mảnh đất mua của chủ trước từ năm 2018 nhưng chưa làm sang tên sổ đỏ. Nay được giá nên tôi quyết định chuyển nhượng mảnh đất này cho người khác để ăn chênh lệch. Tuy nhiên do chưa có sổ đỏ nên chúng tôi không thể công chứng tại VPCC được do đó, chúng tôi lập vi bằng ghi nhận lại sự việc chuyển nhượng đất và giao tiền. Vậy cho tôi hỏi giá trị pháp lý của vi bằng như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

- Về việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng đất:

Căn cứ Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định:

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

Đồng thời, theo Khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì “người thực hiện chứng thực” là Trưởng phòng, phó Trưởng phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao; cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Như vậy, cơ quan thừa phát lại không có thẩm quyền chứng thực các giao dịch liên quan đến bất động sản.

- Về giá trị của vi bằng:

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 về tổ chức hoạt động của Thừa phát lại được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (đã được sử dổi bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP) thì “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.

Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP (đã được sử đổi bởi Nghị định 153/2013/NĐ-CP) cũng quy định: Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, giá trị của Vi bằng chỉ dừng lại ở: Làm căn cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết các vụ án dân sự, hình sự hoặc làm căn cứ để các bên thực hiện các giao dịch hợp pháp khác mà các bên đã cam kết theo nội dung vi bằng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc muốn được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer