Tôi năm nay 30 tuổi và đã lập gia đình, được bạn bè vận động tham gia chương trình “Hiến tạng và xác sau khi mất để cứu người”. Tôi có dự định tham gia và có về trao đổi với gia đình nhưng vợ tôi lại không đồng ý. Vậy tôi vẫn cứ đăng ký tham gia hiến tạng và xác sau khi chết thì có được không hay phải có sự đồng ý của vợ tôi? Thủ tục đăng ký hiến xác thì phải làm như thế nào? Mong được luật sư giải đáp

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:                                              

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật hiến pháp năm 2013

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác năm 2006.

Bộ luật dân sự năm 2015

2. Nội dung tư vấn:

         Hiện nay, đối với việc hiến tạng, hiến xác, tại khoản 3 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của Luật”. Có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyền được hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác là một trong những quyền cơ bản của mỗi người đối với cơ thể của họ, liên quan đến quyền nhân thân của mỗi người. Quyền này không những được ghi nhận trong Hiến pháp – đạo luật cơ bản của nước ta mà còn được quy định cụ thể tại Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó:

Điều 35. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan. “ 

Đồng thời tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác năm 2006 cũng có quy định:

 “Điều 5. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

       Từ những căn cứ được trích dẫn nêu trên, xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin bạn hiện nay đã 30 tuổi, đầy đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện quyền được hiến nội tạng, hiến xác theo quy định tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013; Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác năm 2006 và Điều 35 Bộ luật dân sự năm 2015 được trích dẫn ở trên. Việc bạn đăng ký tham gia hiến xác, hiến nội tạng sau khi mất hoàn toàn phụ thuộc vào nguyện vọng cũng như mong muốn của bạn, mà không cần có sự đồng ý của vợ bạn hay người khác.

Vì vậy, khi có nhu cầu hiến xác cũng như bộ phận cơ thể của mình cho người khác thì bạn có thể liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn các thủ tục đăng ký.

Về thủ tục đăng ký hiến xác, theo quy định tại Điều 19 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác năm 2006 được thực hiện như sau:

Bước 1: Người muốn hiến tạng, hiến xác đủ điều kiện theo quy định – cụ thể ở đây là bạn sẽ liên hệ với cơ sở y tế để bày tỏ nguyện vọng hiến xác của mình.

Bước 2: Sau khi nhận được thông tin từ bạn thì cơ sở y tế - nơi bạn đến đăng ký sẽ thông báo cho cơ sở sẽ tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến theo quy định.

Bước 3: Sau khi nhận được thông tin, thì cơ sở nơi sẽ tiếp nhận, bảo quản xác của bạn sau khi hiến sẽ trực tiếp liên lạc với bạn, hướng dẫn bạn đăng ký hiến xác và cấp thê đăng ký hiến xác cho bạn.

        Sau khi được cấp thẻ đăng ký hiến xác thì việc đăng ký hiến xác của bạn sẽ có hiệu lực. Sau này khi bạn chết đi, xác của bạn sẽ được bảo quản và lấy xác để cấy, ghép cho những người khác. Trong trường hợp bạn chết đi mà không có thẻ đăng ký hiến xác thì lúc đó phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của bạn hoặc vợ hoặc đại diện các con đã thành niên của bạn.

        Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có quyền đăng ký hiến mô hiến xác theo nguyện vọng của mình mà không cần dự đồng ý của vợ.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer