Tôi ký hợp đồng mua bán một căn hộ với người quen nhưng sau đó tôi mới phát hiện sổ hồng không hợp pháp, nên tôi đã đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Sau khi Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, tôi không thấy Tòa án đề cập gì đến việc giải quyết hậu quả khi hợp đồng này vô hiệu. Vì không hiểu biết pháp luật nên tôi cũng không yêu cầu gì thêm.
Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này, Tòa án có bắt buộc phải đưa ra hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu hay không? Nếu tôi muốn đề nghị Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu sau đó thì tôi phải làm thế nào?
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo hướng dẫn tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án Nhân dân tối cao, khi Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, không bắt buộc phải giải quyết hậu quả của HĐ vô hiệu:
“Tại mục 2 phần 2 của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ thì:
Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.”
Như vậy khi Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu không bắt buộc Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, chỉ giải quyết khi đương sự có yêu cầu hoặc đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Tuy nhiên, Tòa án có nghĩa vụ phải giải thích cho các bên về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích này cần được ghi nhận vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Nếu Tòa án không thực hiện nghĩa vụ này và không giải thích về hậu quả pháp lý, thì đó là một sai sót trong quy trình tố tụng.
Vì vậy, trong tình huống của bạn, nếu Tòa án đã tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không giải thích về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, thì điều này là không đúng với quy định pháp luật.
Nếu bản án của bạn không ghi nhận đã giải thích thì bạn làm đơn khiếu nại hành vi không giải thích về hậu quả pháp lý của tuyên bố hợp đồng vô hiệu của Thẩm phán giải quyết vụ việc của bạn và gửi cho Chánh án tòa đó để xem xét giải quyết yêu cầu. Ngoài ra, bạn vẫn có quyền yêu cầu giải quyết bằng một vụ án khác.
Đây là nội dung được nêu tại Công văn 1083/VKSTC-V9 năm 2024 giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự:
Khi Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng, đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì đương sự có được yêu cầu giải quyết bằng vụ án khác không? (VKS Sơn La)
Trả lời: Đương sự đã được Tòa án giải thích về hậu quả của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì căn cứ Điều 5 BLTTDS về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, đương sự được yêu cầu giải quyết bằng vụ án khác.
Do đó, dù trước đây bạn không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì nay vẫn có thể yêu cầu giải quyết bằng vụ án khác bằng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của mình.
==================================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com