Chào Luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Trước đây tôi có vay thế chấp bên ngân hàng, thế chấp bằng chiếc xe ô tô hiệu Camry do tôi đứng tên. Ngân hàng chỉ giữ cà vẹt xe. Sau khi trả đóng tiền được 2 tháng thì do điều kiện khó khăn nên tôi dừng trả tiền lãi hàng tháng. Do người quen giới thiệu nên tôi mua một đăng ký xe giả rồi bán chiếc xe Camry nêu trên cho người khác. Sau đó, do trễ hẹn trả nợ 5 tháng liên tục nên ngân hàng đi xác minh và biết được tôi đã bán chiếc xe, bên ngân hàng đang đòi kiện tôi tội hình sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tôi cho rằng việc làm của mình không đến mức truy cứu hình sự. Vậy tôi muốn hỏi việc ngân hàng làm như vậy có đúng không? Tôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Mong được giúp đỡ. 

Trả lời:    

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1.    Căn cứ pháp lý:

-    Bộ luật Dân sự năm 2015

-    Bộ luật Hình sự năm 2015

-    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017.

2.    Nội dung tư vấn:

       Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì để vay một khoản tiền tại ngân hàng và bạn đã thế chấp chiếc ô tô hiệu Camry của mình. Trường hợp này, khi bạn và ngân hàng có thỏa thuận về việc thế chấp tài sản chiếc xe ô tô để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ khoản tiền vay thì theo quy định tại khoản 8 Điều 320, 321 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thế chấp “không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”, trừ trường hợp tài sản thế chấp là “hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh”; hoặc “không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh nhưng được bên thế chấp đồng ý, hoặc theo quy định của pháp luật”

         Trên cơ sở quy định này, có thể thấy pháp luật dân sự quy định cấm việc mua bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản đang được thế chấp trừ một số trường hợp quy định. Trong trường hợp của bạn, tài sản mà bạn thế chấp với ngân hàng là chiếc xe ô tô hiệu Camry do bạn đứng tên – đây không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Việc bạn mua giấy tờ xe giả rồi để bán cho người khác mà Ngân hàng không được biết và không đồng ý là đang vi phạm điều cấm của pháp luật.

         Trường hợp này, giao dịch/hợp đồng mua bán xe mà bạn đã ký với người mua chiếc xe ô tô trên được xác định là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 122, 123 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi giao dịch mua bán xe ô tô giữa bạn và người mua vô hiệu thì xử lý theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự sự năm 2015 như sau:

“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

         Như vậy, khi giao dịch thì các bên có trách nhiệm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bạn phải trả tiền bán xe lại cho người mua, người mua cũng phải trao trả lại xe cho bạn. Chiếc xe vẫn được xác định là tài sản thế chấp trong giao dịch của bạn với ngân hàng và ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bạn không trả hoặc trả không đủ số tiền vay (Điều 323 BLDS 2015). Điều này dẫn đến việc xác định trách nhiệm của bạn đối với các bên như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm đối với ngân hàng.

Như bạn chia sẻ, phía đại diện bên ngân hàng đang muốn tố cáo bạn về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tội danh này được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 như sau:

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

…”

Trường hợp của bạn, sau khi thế chấp tài sản cho ngân hàng, lấy được tiền vay mà bạn bỏ trốn, hoặc dùng thủ đoạn gian dối, hoặc đến thời hạn trả, có khả năng trả nhưng cố tình không trả, hoặc sử dụng số tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không có khả năng trả lại tiền thì bạn có thể bị truy cứu về tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, tài sản chiếm đoạt được xác định là tiền vay của ngân hàng. Về vấn đề này, hiện nay bạn có đề cập về việc sau khi bạn trả được 2 tháng tiền vay thì do khó khăn mà mất khả năng thanh toán nên đã trễ hẹn 05 tháng mà vẫn chưa trả được tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Có thể vì lý do này mà ngân hàng tố cáo bạn, và việc bạn tự ý làm lại đăng ký xe và bán xe đang được xem xét như hành vi thoái thác trách nhiệm, thiếu thiện chí với khoản vay. Do vậy, bạn cần thu xếp trả tiền lãi đúng hạn để thể hiện thiện chí trả nợ của mình, tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. 

Thứ hai, trong quan hệ với người mua chiếc xe ô tô hiệu Camry mà bạn đã thế chấp tại ngân hàng. 

Như đã đề cập, giao dịch mua bán xe ô tô giữa bạn và người mua xe được xác định là vô hiệu theo quy định của pháp luật. Trường hợp này bạn đã có dấu hiệu gian dối (mua giấy tờ xe giả) khiến người mua hiểu nhầm về nguồn gốc chiếc xe (tưởng rằng xe có giấy tờ đầy đủ) và bạn cũng không thông báo cho người mua biết về việc tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng, khiến cho người mua tin tưởng rằng bạn có toàn quyền trong việc định đoạn chiếc xe, và bạn cũng ý thức được bạn không có quyền bán chiếc xe này nhưng vẫn thực hiện giao dịch để chiếm đoạt được số tiền bán xe thì bạn có thể bị xem xét về hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, theo đó: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc vào những trường hợp mà pháp luật quy định” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

       Ngoài ra, bạn còn có nguy cơ bị điều tra về tội “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” vì đã mua giấy tờ xe giả để sử dụng. Xem thêm tại: https://saovietlaw.com/tu-van-hinh-su-1/su-dung-giay-to-gia-de-ban-xe-bi-xu-ly-nhu-the-nao-/

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer