Tôi là tài xế xe khách đường dài, thường xuyên chạy tuyến Bắc Nam. Trong lúc đi qua một số tỉnh, tôi và nhiều anh em tài xế khác hay bị những đối tượng ném đá vào xe khi đang chạy. Tôi từng bị một lần vào cửa kính xe, may mắn lúc đó tôi không đi nhanh và xử lý kịp nên không có hành khách nào bị thương. Sau khi tôi trình báo công an, đến nay đã bắt được một số đối tượng nhưng những vụ việc tương tự vẫn diễn ra. Tôi muốn hỏi hình thức xử lý của pháp luật đối với những hành vi này như thế nào? Tôi xin cảm ơn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Việc xử lý các đối tượng có hành vi ném đá vào các phương tiện đang tham gia giao thông sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

1. Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 7, Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm về độ tuổi chịu trách nhiệm theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi.

Đối với hình thức phạt tiền, theo khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không bị áp dụng, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ phạt nộp phạt thay nếu các cháu không có tài sản để nộp phạt.

2. Xử lý hình sự

Trong trường hợp hành vi ném đất, đá vào phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả làm hư hỏng tài sản, làm người khác bị thương hoặc khiến xe bị tai nạn thì những người có hành vi ném đá, đất, cát… vào phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội danh khác nhau.

2.1. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự 2015)

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;...”

2.2. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;...”

Khi ném đá vào xe khách, những người thực hiện hành vi này đều nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho những người trên xe, thậm chí nguy hiểm cho rất nhiều người nhưng họ vẫn làm. Khi đó, nếu việc ném đá khiến những người trên xe bị thương dù tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng kẻ ném đá vẫn có thể bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích theo quy định nêu trên. Nếu thương tích đối với nạn nhân càng cao thì trách nhiệm hình sự đối với kẻ thực hiện hành vi ném đá càng lớn.

Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi của người thực hiện hành vi mà cơ quan chức năng sẽ xác định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. 

3. Bồi thường dân sự

Khi cơ quan công an bắt được kẻ thực hiện hành vi ném đá vào phương tiện đang tham gia giao thông, ngoài trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự nêu trên, kẻ thực hiện hành vi còn phải chịu trách nhiệm dân sự, cụ thể là bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng bởi hành vi của mình. Chủ xe bị thiệt hại có quyền yêu cầu người ném đá bồi thường thiệt hại (về xe cộ, sức khỏe,...) do hành vi mà người ném đá gây ra.

Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 thì người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.

Có thể bạn quan tâm: Cảnh sát giao thông thường lấy mức trung bình để xử phạt

------------------------------------------------------------------

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer