Một nghịch lý đã và đang xảy ra trong thực tế và trong chính các quy định của pháp luật, đó là việc bồi thường cho người chết trong vụ án tai nạn giao thông còn ít hơn so với việc bồi thường cho người bị thương nặng. Một ví dụ rất rõ cho vấn đề này đó là vụ việc tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không. Theo nội dung vụ án, Nguyễn Trần Hoàng Phong không có bằng lái ôtô, dùng giấy tờ giả để thuê chiếc Mercedes lái đi chơi. Sáng 30/1/2020 (Mùng 6 Tết), bị cáo chở nhóm bạn chạy ngược chiều trên đường Hồng Hà, hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất, tông tài xế GrabBike Lê Mạnh Thường đang chở bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (cựu tiếp viên hàng không) đi làm. Tai nạn khiến ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%. Phong sau đó bỏ trốn, vứt các giấy tờ giả, hôm sau ra đầu thú. Kết quả xét nghiệm cho thấy bị cáo dương tính với chất ma túy.

Cuối năm 2020, TAND quận Phú Nhuận xử sơ thẩm lần đầu, phạt Phong mức án 7 năm 6 tháng tù; buộc bồi thường cho chị Hường 1,4 tỷ đồng và ông Thường 447 triệu đồng, theo yêu cầu của gia đình nạn nhân.

Kết quả này đã khiến nhiều người bất ngờ và thắc mắc: Tại sao một người tử vong lại được bồi thường ít hơn một người còn sống bị thương tật?

Lí do bắt nguồn từ quy định về bồi thường thiệt hại trong Bộ luật dân sự:

 

Thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Căn cứ pháp lý

- Điều 591 BLDS 2015

- Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP

- Điều 590 BLDS 2015

- Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP

Nội dung 

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Trong đó:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự, được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này, được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết.

2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.

3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết được xác định như sau:

a) Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng;

b) Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe;

c) Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:

a) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;

b) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;

c) Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định như sau:

a) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.

3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự được xác định như sau:

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này;

c) Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định

.

Trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Nhìn qua quy định của Luật thì người đọc sẽ tưởng rằng mức bồi thường đối với thiệt hại về tính mạng sẽ nhiều hơn mức bồi thường của thiệt hại về sức khỏe, bởi trong danh mục bồi thường thiệt hại về tính mạng đã bao gồm cả khoản tiền bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.

Bởi nếu nạn nhân bị thương tật, mất khả năng lao động hoặc phải điều trị kéo dài thì khoản tiền bồi thường chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, bồi thường khoản tiền lương, thu nhập bị mất của nạn nhân những ngày chữa trị, chi phí hợp lý cho người chăm sóc cũng như thu nhập bị mất của người chăm sóc nạn nhân,... là rất lớn. Chưa kể, nếu như nạn nhân bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì việc bồi thường sẽ kéo dài cả đời.

Trong khi đó trường hợp nạn nhân bị chết tuy phải bồi thường tiền mai táng, tiền cấp dưỡng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho người thân của nạn nhân nhưng những khoản tiền đó vẫn thấp hơn rất nhiều so với tiền điều trị, thuốc men và thu nhập thực tế bị giảm sút của nạn nhân trong cả thời gian dài. 

Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây ra tai nạn trong trường hợp nạn nhân bị thương tật lớn hơn rất nhiều so với trường hợp nạn nhân chết. Mặc dù mạng sống con người là vô giá, nhưng những quy định của pháp luật hiện nay về bồi thường đang khiến cho mạng sống của con người dường như quá rẻ. 

Mức bồi thường cho một mạng người chỉ bao gồm tiền mai táng và 100 lần mức lương cơ sở gần như không thể gọi là bồi thường vì nó chẳng là gì đối với những thiệt hại mà gia đình nạn nhân phải chịu. Tất cả thu nhập của nạn nhân trong cả phần đời còn lại mất đi, nhưng người thân của họ không được hưởng, không được bồi thường. Nỗi đau mất người thân là nỗi đau lớn nhất nhưng sự bồi thường về tinh thần đối với người ở lại chỉ được tính là 100 lần mức lương cơ sở (tương ứng 180 triệu). Đây thực sự là điều bất công đối với họ. Vì vậy mong rằng các nhà làm luật nên xem xét lại quy định về vấn đề bồi thường, làm sao để những vụ việc “Thà đâm chết còn hơn để tàn tật” không còn xảy ra, để mạng sống của con người được trân trọng và để nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người tham gia giao thông.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer