Chồng tôi định thế chấp căn nhà 3 tầng ở quê để vay tiền làm ăn. Tuy nhiên đất đó vẫn đứng tên bố mẹ, còn căn nhà thì do hai vợ chồng chúng tôi xây sau khi cưới. Nếu vậy chúng tôi chỉ thế chấp căn nhà mà không thế chấp quyền sử dụng đất có được không? Trường hợp không trả được khoản vay thì ngân hàng sẽ xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thế chấp nhà ở là một trong những quyền của chủ sở hữu được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014, theo đó chủ sở hữu có quyền “Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”.

Như vậy, đối với nhà ở, tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp thì cá nhân hoàn toàn có quyền thế chấp để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ mà không phụ thuộc vào yếu tố nhà ở đó có gắn liền với đất không. Tuy nhiên vì đặc thù của các giao dịch dân sự là dựa trên sự thỏa thuận nên bên nhận thế chấp (ngân hàng, tổ chức tín dụng…) có quyền cân nhắc, xem xét đồng ý nhận thế chấp hoặc không. Khi thế chấp nhà ở (có gắn với quyền sử dụng đất hoặc không), các bên phải tuân thủ theo nguyên tắc chung được quy định tại Điều 317, 318 BLDS 2015 như sau:

+ Các bên tự thỏa thuận về người giữ tài sản thế chấp, thông thường do bên thế chấp giữ hoặc giao cho bên thứ ba giữ.

+ Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Về hướng xử lý khi thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất, căn cứ theo quy định tại Điều 326 Bộ Luật Dân sự năm 2015, có 2 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất: tài sản được xử lý bao gồm cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp 2: chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất: khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

=> Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, pháp luật không giới hạn quyền thế chấp tài sản (có hoặc không gắn liền với đất) của cá nhân cũng như quyền nhận thế chấp của đơn vị, cá nhân khác. Như đã đề cập nêu trên, vì vợ chồng bạn là chủ sở hữu căn nhà nhưng mảnh đất đó thuộc sở hữu của bố mẹ, do đó, khi thế chấp căn nhà không gắn với đất, ngân hàng có thể đồng ý hoặc từ chối. Trường hợp ngân hàng đồng ý, nếu bạn vi phạm nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản sẽ thực hiện theo thỏa thuận hoặc người nhận chuyển quyền sở hữu căn nhà sau đó sẽ được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer