Mình và ba thuyền viên khác đang làm việc dưới tàu vì công ty mình ký kết hợp đồng không thanh toán lương và các khoản tiền về làm việc ngoài giờ và tiền kiêm nhiệm khi thuyền viên khác theo đúng hợp đồng cho mình. Sau đó mình có gửi email về công ty để yêu cầu thanh toán lương và công ty gửi email lại là đang xoay tiền để trả, mình tin vào email đó nên mình và hai thuyền viên còn lại tiếp tục làm việc và chờ đợi đến cuối tháng nhưng khi kết thúc tháng công ty vẫn không trả lương. Do đó mình và hai thuyền viên còn lại có gửi đơn về công ty là sẽ dừng làm việc và không chịu trách nhiệm trong bộ phận mình đang quản lý, sau đó công ty có gửi email lại và thuyền trưởng yêu cầu họp tàu và thông báo từ lúc kết thúc cuộc họp này mình và mấy trưởng máy hai không còn nhiệm vụ nữa mà do công ty bổ nhiệm những người khác trên tàu đảm nhiệm và chịu trách nhiệm về những gì mình và hai thuyền viên kia phụ trách và khi bọn mình nhận được lương sẽ nhận bàn giao lại. Sau đó mình và hai thuyền viên kia đồng ý và lên phòng để xem phim. Khoảng 1 giờ sau mình thấy có 1 thuyền viên vào phòng và nói sao các anh lại làm cái trò này và mình được biết là thuyền viên được vừa nhận đảm nhiệm xuống nổ máy chính và nổ không được vì bị đứt một sợi dây điện, sau đó thuyền trưởng viết biên bản nghi ngờ mình và hai thuyền viên khác làm. Sau đó bọn mình khẳng định bọn mình không làm việc này. Khoảng 2 phút sau rất nhiều thuyền viên trên tàu và cả thuyền trưởng (thuyền trưởng là sĩ quan an ninh dưới tàu) lên phòng mà bọn mình đang ngồi đập phá chửi bới lăng mạ và cùng nhiều thuyền viên khác dọa giết bọn mình. Bọn mình chỉ biết ngồi im thuyền trưởng có cầm một chiếc mỏ lết to đập phá sau đó dùng quyển lịch cứ đập vào đầu mình mà chửi và lăng mạ mình và hai thuyền viên kia .

Hiện tại mình đang rất sợ hãi và lo sợ đêm mình không thể ngủ được vì bị rất nhiều người uy hiếp chỉ mong tàu nhanh vào cảng ở Bangladesh có gì mình còn chạy lên bờ được xin bạn tư vấn giúp mình phải làm sao để mình có thể lấy được lương và nhờ pháp luật trừng trị những người này?

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi này, Luật Sao Việt xin có quan điểm tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bạn đang là thuyền viên làm việc dưới tàu và công ty có hành vi không trả lương đúng hẹn, không trả tiền lương làm thêm giờ và tiền lương kiêm nhiệm theo đúng hợp đồng. Bạn có gửi mail kiến nghị đến công ty yêu cầu trả lương đúng theo thỏa thuận nhưng công ty có gửi lại mail để gia hạn thời hạn trả lương.

Tuy nhiên, đến cuối tháng bạn vẫn chưa được công ty trả lương đúng hẹn. Do vậy bạn đã gửi mail để thông báo sẽ nghỉ việc. Sau đó công ty có gửi mail lại và thuyền trưởng yêu cầu họp tàu và thông báo từ lúc kết thúc cuộc họp này công ty bổ nhiệm những người khác trên tàu đảm nhiệm, chịu trách nhiệm về những gì bạn phụ trách và được nhận được lương khi bàn giao lại.

Với những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa thể xác định được doanh nghiệp bạn đang làm việc là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài, từ đó chưa xác định chính xác pháp luật điều chỉnh đối với vấn đề bạn đang gặp phải, bởi quan hệ lao động của bạn không phải quan hệ lao động thông thường mà quan hệ lao động tương đối đặc thù khi công việc được thực hiện trên tàu biển. Tuy nhiên, để bạn có hướng xử lý cụ thể đối với vấn đề này, chúng tôi sẽ tư vấn với trường hợp xác định hợp đồng lao động của bạn được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật lao động, trong trường hợp không vì lý do khách quan, bất khả kháng mà công ty chậm trả lương cho bạn so với thời hạn trong hợp đồng đã thỏa thuận là hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán lương. Do đó, bạn có quyền chấm dứt hợp đồng lao động giữa bạn và công ty với điều kiện bạn phải báo trước một khoảng thời gian ít nhất là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy thuộc vào loại hợp đồng bạn đang giao kết có thời hạn (dưới 3 năm) hay không xác định thời hạn.

Theo chúng tôi nhận định bạn nghỉ việc trong trường hợp có sự thỏa thuận với công ty về việc nghỉ việc mà không thuộc trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bởi lẽ, giữa bạn và công ty đã có sự thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động thông qua mail và thuyền trưởng của tàu đã tổ chức cuộc họp nội bộ tuyên bố chấm dứt công việc bạn đang làm để bàn giao lại cho thuyền viên khác. Sau khi nhận bàn giao lại công việc bạn sẽ được nhận lương. Do vậy, tất cả các quyền lợi liên quan đến hợp đồng lao động của bạn và công ty như tiền lương chưa thanh toán, tiền thưởng, tiền bảo hiểm, trợ cấp sẽ được giải quyết theo sự thỏa thuận của hai bên. Nếu không có sự thỏa thuận cụ thể thì sẽ căn cứ vào hợp đồng và quy định của pháp luật lao động để giải quyết quyền lợi cho bạn.

Căn cứ khoản 3 điều 48 Luật lao động năm 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, công ty phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên (tiền lương, thưởng, trợ cấp, bồi thường thiệt hại…) trong thời hạn 14 ngày làm việc; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Lưu ý: Pháp luật lao động chỉ có quy định về chế tài đối với người lao động tự ý nghỉ việc không có lý do hoặc có lý do chính đáng nhưng vi phạm thời hạn báo trước thì sẽ phải bồi thường cho công ty. Do vậy, nếu bạn nghỉ việc trong trường hợp thỏa thuận thì theo quy định bạn sẽ không phải bồi thường cho công ty.

Về phương thức để yêu cầu công ty thanh toán tiền lương cho bạn

Thứ nhất, bạn nên trực tiếp liên hệ với công ty để yêu cầu thanh toán lương và các chế độ khác như trợ cấp, bảo hiểm xã hội… Bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc thông qua đơn yêu cầu thanh lý hợp đồng lao đồng và giải quyết quyền lợi gửi đến bộ phận nhân sự hoặc Giám đốc của công ty.

Thứ hai, trong trường hợp công ty không giải quyết quyền lợi cho bạn, bạn có thể thực hiện theo phương thức sau:

- Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định tại điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 – Đơn yêu cầu sẽ được gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và xã hội nơi công ty bạn đóng trụ sở, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cử một hòa giải viên lao động trong số hòa giải viên lao động hiện có do Phòng quản lý tiến hành các thủ tục hòa giải tranh chấp theo thủ tục quy định.

- Yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự:

Căn cứ vào Khoản 3 điều 187 Bộ luật lao động năm 2019; khoản 1 điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó nếu bạn và công ty không thương lượng được với nhau và không hòa giải thành theo thủ tục của hòa giải viên lao động thì có quyền yêu cầu tòa án nhân dân nơi công ty bạn đóng trụ sở để giải quyết quyền lợi cho bạn.

Lưu ý: Về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (6 tháng đối với hình thức yêu cầu hòa giải theo thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động và 1 năm đối với hình thức khởi kiện tại Tòa án, mốc tính thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm được tính từ thời điểm bạn biết được quyền lợi của mình bị vi phạm).

Khi khởi kiện tại tòa án bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện tranh chấp lao động gồm: Đơn khởi kiện (bạn có thể sử dụng mẫu đơn khởi kiện mua tại Tòa án); Hợp đồng lao động; Bản sao CMND của bạn; Các tài liệu khác bạn có thể hiện thỏa thuận chấm dứt công việc với công ty.

Ngoài ra nếu trường hợp bạn cảm thấy có mối nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bạn và người bạn quan tâm thì ngay sau khi tàu cập cảng bạn có thể trình báo cơ quan sở tại gần nhất được biết và nhờ họ liện hệ đến đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để nhờ sự trợ giúp.
 

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer