Tôi mua một mảnh đất thuộc quyền sở hữu của ông Hải, ông Hải đã ủy quyền cho bà Mây (em gái ông Hải) bán đất cho tôi, có giấy ủy quyền của ông Hải cho bà Mây được công chứng tại VPCC X. Tôi cùng bà Mây đến văn phòng công chứng X để công chứng hợp đồng mua bán đất và đã bàn giao 3 tỷ 540 triệu tiền mặt. Tuy nhiên khi tôi làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất ở Vp đăng ký đất đai thì không làm được vì trước đó vào tháng 1 bà Trinh (vợ ông Hải) đã báo mất sổ đỏ. Hiện nay công việc của tôi bị đình trệ, tiền thì đã đưa bà Mây chưa đòi lại được, đất cũng không sang tên được và phải mất công mất sức kiện tụng. Tôi muốn yêu cầu văn phòng công chứng X phải bồi thường thiệt hại cho tôi do sai phạm của văn phòng này trong việc không kiểm tra tình trạng hôn nhân của ông Hải, dẫn đến việc công chứng hợp đồng ủy quyền cho bà Mây dù không có sự đồng ý của vợ ông Hải và công chứng hợp đồng mua bán đất cho tôi thì có khả thi không? 

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Công chứng được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để chứng minh tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự hoặc giấy tờ khác. Chính vì vậy, vai trò của công chứng viên rất quan trọng bởi một sai sót nhỏ của công chứng viên cũng có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho khách hàng. 

Trong trường hợp để xảy ra sai sót gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng hoặc những cá nhân, tổ chức có liên quan, việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng được quy định cụ thể tại Điều 38 Luật Công chứng 2014 như sau:

1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 thì các công chứng viên có thể là viên chức hoặc công chức, vì vậy sẽ có hai trường hợp sẽ xảy ra nếu công chứng viên sai phạm gây thiệt hại:

Một là, trường hợp CCV là viên chức: Nếu gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường và hoàn trả lại cho đơn vị sự nghiệp công lập khoản tiền mà đơn vị này đã bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi có lỗi gây thiệt hại cho người khác trong quá trình tác nghiệp. Quy định trên được cụ thể hóa tại chương III Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, trong đó xác định các trường hợp xử lý trách nhiệm bồi thường hoàn trả.

ĐỒng thời, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:

“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cần phải đầy đủ 3 yếu tố sau đây để phát sinh trách nhiệm bồi thường của văn phòng công chứng đối với bạn:

- Có thiệt hại thực tế.

- Thiệt hại do công chứng viên gây ra.

- Thiệt hại do công chứng viên gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao hay trong khi thực hiện công việc được giao.

Hai là, trường hợp CCV là công chức: Khi đó, việc bồi thường thiệt hại do CCV là công chức gây ra trong hoạt động công chứng phải áp dụng những quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 . Theo quy định tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, nếu CCV là công chức gây thiệt hại thì chỉ cần xác định có thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi trái pháp luật của CCV gây ra và có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật này của CCV.

Trong trường hợp của bạn đã xác định có thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi sai phạm của công chứng viên và sai phạm của công chứng viên được xác định là hành vi không yêu cầu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Hải, dẫn đến việc công chứng giấy ủy quyền và hợp đồng mua bán sai quy định của pháp luật; khi đó bạn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do công chứng viên vi phạm.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer