Vừa qua hàng xóm nhà tôi đi du lịch vắng nhà, do cây nhà bên đó đổ lấn sang sân nhà tôi và đổ tường bao ngăn giữa 2 nhà nên tôi qua đó dọn cây đổ rồi thuê thợ về xây sửa lại bức tường. Khi nhà hàng xóm về họ không cảm ơn mà còn trách tôi vì tự ý sang nhà họ khi không được gia đình họ đồng ý. Trong trường hợp này tôi có được yêu cầu gia đình họ trả tiền chi phí mà tôi bỏ ra để làm lại bức tường bị đổ đó không?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Trong trường hợp của bạn có thể xác định việc bạn thực hiện dọn dẹp chỗ cây đổ và sửa lại bức tường cho hàng xóm nhà mình là hành động thực hiện việc không được ủy quyền. Theo quy định tại Điều 574 Bộ luật dân sự 2015: Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.
Bạn thực hiện công việc sửa chữa bức tường đổ và dọn dẹp cây đó không có sự ủy quyền hay thỏa thuận gì với phía nhà hàng xóm, có thể thấy hành động này xuất phát từ ý chí chủ quan muốn giúp đỡ và bên cạnh đó cũng là một chút lợi ích chung khi cây cối và bức tường nhà hàng xóm đổ sang phía nhà bạn. Công việc này được thực hiện và cũng không có bất kì quy định pháp lý nào ràng buộc về vấn đề này, tuy nhiên cũng cần phải lưu ý một số nội dung về nghĩa vụ của 2 bên trong trường hợp của bạn để có thể xác định bạn có quyền yêu cầu hàng xóm thanh toán chi phí mà bạn bỏ ra để xây lại bức tường đổ đó hay không.
Nghĩa vụ của người thực hiện công việc
Theo quy định tại Điều 575 Bộ luật dân sự 2015:
+ Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
+ Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
+ Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.
+ Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
+ Trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.
Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện
Trong trường hợp của bạn, người có công việc được thực hiện chính là người hàng xóm của bạn. Ở đây chúng ta cần lưu ý đến nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện. Theo quy định tại Điều 576 Bộ luật dân sự 2015:
1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối."
Từ những quy định trên thì có thể thấy việc bạn yêu cầu hàng xóm thanh toán chi phí mà bạn bỏ ra để xây lại bức tường đổ trong trường hợp này là hoàn toàn có cơ sở và người hàng xóm kia phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản chi phí đó. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý, nếu trong quá trình thực hiện công việc dọn dẹp và sửa chữa đó mà bạn gây ra những thiệt hại cho người hàng xóm thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 577 Bộ luật dân sự 2015:
+ Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.
+ Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.
Như vậy, trong trường hợp của bạn sau khi bạn thực hiện những công việc sửa chữa, dọn dẹp mà không được ủy quyền làm thay từ phía hàng xóm thì bạn vẫn có thể yêu cầu họ thanh toán những chi phí mà bạn bỏ ra thực hiện công việc, về việc này tránh xảy ra những mâu thuẫn ảnh hưởng tình cảm hàng xóm giữa 2 bên thì bạn và người hàng xóm có thể thỏa thuận với nhau để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa theo đúng quy định của pháp luật, bên cạnh đó bạn cũng nên hỏi và tìm hiểu xem trong quá trình mình thực hiện công việc có gây ra thiệt hại gì cho nhà hàng xóm không để có trách nhiệm cũng như nghĩa vụ với họ.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com