Tình huống: Vợ chồng cụ Hiếu, cụ Nhân có tài sản chung gồm: 01 căn nhà hai tầng diện tích 80m2, 02 căn nhà một tầng và đất vườn tại xã L, huyện M, tỉnh N đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình cụ Hiếu, diện tích đất là 2000m2. Vợ chồng cụ Hiếu có 4 người con là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Năm 2003, vợ chồng cụ Hiếu lập di chúc cho cháu ngoại là chị Hải (con gái bà Ngôn) toàn bộ nhà, cho chị Hải và Hương (con gái bà Hạnh ) quyền sử dụng đất vườn. Di chúc này viết tay, có người làm chứng và được Ủy ban nhân dân xã L xác nhận. 

Năm 2013, cụ Hiếu chết. Năm 2014, cụ Nhân cùng 4 người con lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Theo đó, 4 người con từ chối nhận di sản thừa kế của cụ Hiếu và nhường kỷ phần thừa kế của mình là quyền sử dụng đất xã L, huyện M, tỉnh N của cụ Hiếu cho mẹ mình là cụ Nhân. Năm 2015, cụ Nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2018, cụ Nhân chết. Sau khi cụ Nhân chết được 49 ngày, Văn phòng công chứng Y đến công bố di chúc của cụ Nhân được lập trước khi cụ Nhân chết 15 ngày với nội dung để lại tài sản cho bà Ngôn và chị Hải. Cụ thể, cụ Nhân di chúc cho con gái là bà Ngôn được thừa kế 01 căn nhà hai tầng, 02 căn nhà cấp 4 và 70% quyền sử dụng đất ở, đất vườn và cho chị Hải (con gái bà Ngôn) 30% đất ở, đất vườn. Đây là Văn bản công chứng di chúc được lập trước khi cụ Nhân chết 15 ngày tại nơi ở của cụ Nhân, do sơ suất nên Văn bản công chứng ghi địa điểm lập Văn bản công chứng tại Văn phòng công chứng Y.

Ông Công – con cụ Nhân khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố Văn bản công chứng di chúc của của Văn phòng công chứng Y vô hiệu và di chúc của cụ Nhân lập năm 2018 vô hiệu. Chị Hương cũng cho rằng nhà đất đã được ông ngoại là cụ Hiếu di chúc cho chị và chị Hải, mẹ chị là bà Hạnh không có quyền nhường kỷ phần thừa kế của mình cho cụ Nhân.

Vậy, cho tôi hỏi yêu cầu của ông Công có được chấp nhận không và bản di chúc nào có hiệu lực pháp luật?

                                                                    Nguồn ảnh: Internet.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới công ty Luật Sao Việt, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thứ nhất, toàn bộ di sản nói trên có nguồn gốc là của cụ Hiếu và cụ Nhân. Do đó cần phải xác định phần di sản của cụ Hiếu trong khối tài sản chung của hai vợ chồng cụ Hiếu và cụ Nhân. Đó là phần di sản mà trước khi chết cụ Hiếu đã định đoạt cho 2 cháu là Hải và Hương. Năm 2013, cụ Hiếu chết.

+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công

chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng”.

Do đó, xét bản di chúc chung của vợ chồng cụ Hiếu và cụ Nhân lập 2003. Đây là bản di chúc được viết tay, có người làm chứng và được Ủy ban nhân dân xã L xác nhận. Sau khi cụ Hiếu chết (năm 2013), di chúc này có hiệu lực đối với phần di sản của cụ Hiếu nếu nó được lập một cách hợp pháp, theo đúng trình tự thủ tục và quy định của pháp luật.

Khi đó, chị Hải và chị Hương được hưởng phần di sản của cụ Hiếu trong khối tài sản chung của hai vợ chồng cụ Hiếu và cụ Nhân. Việc các con của cụ Hiếu và cụ Nhân thỏa thuận chia tài sản thừa kế của cụ Hiếu và tự nguyện nhượng phần thừa kế của mình là quyền sử dụng đất cho cụ Nhân là không đúng. Cụ Nhân chỉ có quyền thay đổi di chúc đối với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng.

Thứ hai, cần làm rõ cụ Nhân lập di chúc năm 2018 trong trạng thái minh mẫn vì khi thời điểm lập di chúc này là 15 ngày trước khi cụ mất do tuổi cao. Nếu di chúc được lập khi cụ minh mẫn, theo đúng trình tự thủ tục, quy định của pháp luật thì có giá trị pháp lý và thay thế di chúc cụ Nhân đã lập trước đó. Cụ Nhân chỉ có quyền thay đổi di chúc của mình đối với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung.

Như vậy, đối với tình huống pháp lý này sẽ xảy ra 2 trường hợp:

– Trường hợp cụ Nhân lập di chúc trong tình trạng minh mẫn, biết chữ, đọc được, nghe được thì di chúc của cụ Nhân lập năm 2018 có hiệu lực một phần (đối với phần tài sản của cụ Nhân trong khối tài sản chung của vợ chồng); di chúc này vô hiệu đối với phần di sản của cụ Hiếu trong khối tài sản chung của vợ chồng (chị Hải, chị Hương được hưởng thừa kế theo di chúc của cụ Hiếu lập năm 2003).

– Trường hợp cụ Nhân không biết chữ hoặc không còn minh mẫn thì Văn bản công chứng vô hiệu và di chúc của cụ Nhân vô hiệu hoàn toàn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer