Trước khi đăng ký kết hôn, tôi gửi tiền về cho em trai chung tiền mua nhà, vì lúc đó tôi đi xuất khẩu lao động, còn mấy tháng nữa mới hết hợp đồng để về nước nên để em tôi đại diện đứng tên sổ hồng. 2 năm sau đó tôi mới lấy vợ, nay vợ tôi yêu cầu thêm tên tôi vào sổ hồng, em tôi cũng đồng ý nhưng tôi tham khảo thì thấy mức phí cao nên tôi đi hỏi nhiều nơi thấy có thể lập vi bằng việc cùng chung tiền mua nhà và đồng sở hữu ngôi nhà. Vậy tôi muốn hỏi việc lập vi bằng có đảm bảo chứng minh quyền lợi của tôi với ngôi nhà không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi một phương án hợp lý. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Tuy nhiên, vi bằng chỉ được coi là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi xảy ra tranh chấp, vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực. Đồng thời, theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, thừa phát lại không được lập vi bằng để xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật…

Vì vậy, bạn không nên lập vi bằng để ghi nhận quyền sở hữu đối với ngôi nhà của mình. Trường hợp của bạn có những giả thiết như sau:

Trường hợp 1: Nếu trước đây bạn và em bạn cùng đứng tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đồng thời bạn có lập văn bản ủy quyền cho em trai thực hiện thủ tục sang tên, đứng tên GCNQSDĐ (tất cả các văn bản này đều có công chứng) thì việc em bạn 1 mình đứng tên không ảnh hưởng đến quyền của bạn đối với căn nhà này. Khi đó, bạn chỉ cần thực hiện thủ tục đính chính sổ và lệ phí thực hiện đính chính theo quy định Điểm b.3, khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2014/TT-BTC chỉ là 25.000 đồng/lần/sổ.

Trường hợp 2: Việc đưa tiền cho em mua đất chỉ là thỏa thuận miệng giữa hai anh em, trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ đứng tên em trai bạn. Khi đó, vợ bạn lo lắng cũng là có căn cứ bởi theo pháp luật thì chỉ có em trai bạn có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Nếu em bạn đã đồng ý, hợp tác trong việc thêm tên của bạn vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn nên bớt chút thời gian, tiền bạc để thực hiện thủ tục thêm tên vào sổ đỏ, tránh những tranh chấp không đáng có về sau.

Ở đây, em bạn có thể lập hợp đồng tặng cho một phần nhà đất cho bạn. Hiện nay việc tặng cho nhà đất giữa anh chị em ruột không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ. Bạn chỉ phải nộp lệ phí đính chính sổ như đã nêu ở trên.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer