Chuyện hàng xóm xây nhà, nghe thì có vẻ chẳng liên quan gì đến quyền lợi của mình, nhưng nếu có nhà hàng xóm sát vách xây nhà, bạn sẽ hiểu được việc chẳng liên quan này thực tế lại gây nên rất nhiều bất cập. Quyền lợi của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi hàng xóm thực hiện “Quyền xây nhà” của họ. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp bất đắc dĩ này?

1. Trước khi khởi công xây dựng

* Lập biên bản hiện trạng nhà ở:

Trước khi nhà hàng xóm khởi công, dù họ không chủ động đề cập thì bạn cũng nên sang trao đổi và chủ động đề nghị họ khảo sát các nhà liền kề, các bên cùng lập biên bản hiện trạng nhà để làm căn cứ đối chiếu sau này.

Việc làm này nhằm tránh những rắc rối, tranh cãi không đáng có về sau nếu xảy ra việc thi công làm ảnh hưởng đến chất lượng nhà ở của các căn bên cạnh, vd: sụt, lún, nứt nhà hàng xóm vì thi công móng nhà.

Để chắc chắn nhất thì các bên có thể mời thừa phát lại xuống lập vi bằng.

* Yêu cầu chủ nhà áp dụng các biện pháp giằng - chống, bao bọc công trình xây dựng

Để đảm bảo việc hàng xóm đào móng, xây nhà không ảnh hưởng đến kết cấu công trình nhà ở của mình, chủ nhà cần trao đổi với chủ thầu bên kia về các biện pháp kỹ thuật thi công đảm bảo công trình phải được che chắn tránh bụi bay sang các khu vực xung quanh, có biện pháp chống nghiêng, chống sập đối với các căn nhà liền kề… 

Các nghĩa vụ này được quy định tại Khoản 5 Điều 64 luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:

“5. Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

Đối với  hành vi vi phạm này, chủ đầu tư dự án nhà ở có thể bị xử phạt theo ĐIều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:

“1. Xử phạt hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác;”

2. Trong khi xây dựng

- Theo dõi sát sao quá trình thi công của hàng xóm để sớm phát hiện những dấu hiệu ảnh hưởng đến chất lượng nhà của mình.

- Yêu cầu hàng xóm dừng thi công nếu phát hiện nhà mình bị ảnh hưởng, nếu nhà hàng xóm không khắc phục và tiếp tục vi phạm, cần gửi đơn đến UBND cấp xã và  Thanh tra Sở xây dựng để yêu cầu dừng thi công công trình và xử lý vấn đề.

Theo khoản 5 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, các  hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

- Yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại (nếu có)

Theo Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015: “Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”

Điều 605 Bộ luật dân sự cũng quy định chủ sở hữu người được giao quản lý sử dụng nhà cửa công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì cũng phải liên đới bồi thường. 

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 Bộ luật Dân sự quy định như sau: 

– Thiệt hại phải là thiệt hại thực tế, không phải thiệt hại ước tính hay thiệt hại trong tương lai. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 

– Người phải bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

– Nếu mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

– Nếu bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phía hàng xóm bồi thường. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn phải thu thập  tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những thiệt hại của mình và các khoản chi phí hợp lý để khắc phục.

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer