Chào luật sư, bố mẹ tôi mất không để lại di chúc, di sản thừa kế là thửa đất và căn nhà tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội. Bố mẹ tôi có 4 người con trong đó có một anh trai đang định cư ở nước ngoài (quốc tịch Anh). Tất cả anh em trong gia đình tôi thống nhất để lại toàn bộ di sản thừa kế trên cho em trai tôi. Hiện tại sổ đỏ cũ đứng tên bố mẹ tôi đối với thửa đất trên đã bị mất. Vậy trường hợp này chúng tôi phải thực hiện những thủ tục gì để sang tên sổ đỏ cho em trai tôi? Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Vụ việc của bạn chúng tôi trả lời như sau:

Anh trai bạn (quốc tịch Anh) – với tư cách là một trong những người thừa kế - đang định cư ở nước ngoài, do đó theo khoản 4 Điều 186 Luật đất đai 2013 thì: “Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính…”

Anh bạn (quốc tịch Anh) định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam => không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Theo thông tin bạn cung cấp, Giấy chứng nhận QSDĐ đã bị mất, chủ sử dụng đất là bố mẹ bạn đều đã mất không để lại di chúc vì vậy, cần làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận QSDĐ kết hợp với thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp bố mẹ bạn - người sử dụng đất đã mất thì không thể cấp lại sổ đỏ đứng tên người đã mất được, thay vào đó, sổ đỏ sẽ được cấp cho những người thừa kế. Tuy nhiên để có căn cứ làm thủ tục phân chia di sản thừa kế, trước tiên những người thừa kế phải thực hiện thủ tục báo mất sổ + xin trích sao sổ đỏ.

BƯỚC 1: Thực hiện thủ tục báo mất + xin trích sao sổ đỏ

Tất cả người thừa kế sẽ lập văn bản ủy quyền cử người đại diện làm thủ tục báo mất và xin trích sao sổ đỏ.

+ Nộp Hồ sơ xin cấp trích sao sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Hai Bà Trưng.

Thành phần hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị trích sao sổ đỏ

- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân;

Thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại: Theo điểm q khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP là không quá 30 ngày

=> Nhận kết quả gồm: Công văn xác nhận mất sổ + Trích sao sổ đỏ đóng dấu giáp lai của Văn phòng ĐKĐĐ quận

Cơ sở pháp lý: Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Khoản 2 điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT

 BƯỚC 2: Thủ tục phân chia di sản thừa kế

- Đối với người thừa kế đang định cư ở nước ngoài: Lập Hợp đồng ủy quyền nối: lồng ghép nội dung ủy quyền cử người đại diện + ủy quyền định đoạt toàn bộ phần quyền thừa kế + đồng ý tặng cho phần quyền thừa kế => Thực hiện thông qua lãnh sự đại sứ quán sẽ bớt được thủ tục từ chối di sản thừa kế.

- Đối với những người thừa kế còn lại trong nước: lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với nội dung tặng cho em trai toàn bộ phần di sản được hưởng, sau đó công chứng văn bản thỏa thuận.

        Nơi thực hiện công chứng: các Văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thành phần Hồ sơ gồm:

 – Phiếu yêu cầu công chứng;

 _ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

 – Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người để lại di sản;

 – Giấy tờ tùy thân của người thừa kế 

 – Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản

 – Công văn xác nhận của Văn phòng ĐKĐĐ + trích sao sổ đỏ (đóng dấu giáp lai của ĐKĐĐ quận)

(Xem thêm tại https://saovietlaw.com/tu-van-luat-thua-ke-di-chuc-1/chi-tiet-thu-tuc-khai-nhan-di-san-thua-ke-thoa-thuan-phan-chia-di-san-thua-ke-/)

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Cơ sở pháp lý:  Điều 55, Điều 57 đến Điều 59 Luật Công chứng 2014

BƯỚC 3: Thủ tục sang tên sổ đỏ cho người thừa kế. Hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai mẫu 09/ĐK

– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;

– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã +Trích sao sổ đỏ;

– Giấy tờ nhân thân của các đồng thừa kế

– Giấy tờ chứng minh quan hệ thừa kế

– Giấy chứng tử của chủ sử dụng đất là ông Nhân, bà Trình

- Hồ sơ khai thuế: Thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, thuế đất phi nông nghiệp

=> Thời hạn giải quyết nhận kết quả: Không quá 30 ngày

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer