Câu hỏi:
Trước đây bố mẹ tôi được ông bà nội cho một miếng đất, đã được sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố tôi. Bố mẹ tôi sinh được hai người con đó là tôi 25 tuổi và em gái tôi năm nay 16 tuổi. Hiện tại bố tôi đã mất được 1 năm, còn mẹ tôi thì đã tách hộ khẩu đi khỏi địa phương từ ngày bố tôi mất. Vậy tôi có thể sang tên lại cho mình được không và ông bà nội tôi có được lấy lại hay không?

Sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trả lời mang tính chất tham khảo
 
Như bạn nói, ông, bà nội của bạn đã cho bố bạn và đã sang tên trong GCNQSD đất là bố của bạn. Sau khi bố bạn mất bạn cũng không nói rõ là bố bạn có để lại di chúc hay không nên chúng tôi xác định 2 trường hợp như sau:
 
-         Trường hợp 1. Bố bạn có để lại di chúc

Khi đó bạn phải xác định việc lập di chúc của bố bạn có đúng quy định của pháp luật hay không, nếu đúng quy định của pháp luật thì người được nhận thừa kế theo di chúc thì bạn phải xác định người được hưởng phần di sản theo di chúc. Tuy nhiên, do em gái bạn mới 16 tuổi (chưa thành niên) nên vẫn được nhận hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp em gái bạn không được bô bạn cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó (Căn cứ Điều 644 BLDS 2015).

-         Trường hợp 2, không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì quyền thừa kế của bạn được xác đinh như sau:

Quyền sử dụng đất do ông bà bạn tặng cho bố mẹ bạn và bố mẹ bạn đã làm thủ tục sang tên nên chủ sử dụng của thửa đất là bố mẹ bạn. Bố mẹ bạn có các quyền của chủ sử dụng đất: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 167 Luật đất đai 2013.

Cho dù mẹ bạn đã chuyển hộ khẩu đến địa phương khác nhưng mẹ bạn vẫn có quyền đối với thửa đất đó. Về phần quyền của bố bạn thì khi bố bạn chết, phần quyền sử dụng đất đó được coi là di sản thừa kế và được chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu bố bạn không để lại di chúc thì di sản đó được chia cho người thừa kế theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
 
Theo quy định trên thì những người được hưởng di sản của bố bạn gồm: bạn, em gái bạn, mẹ bạn, ông bà nội của bạn. Các đồng thừa kế phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật để nhận phần di sản mình được hưởng. Bạn chỉ được nhận một phần di sản mà bố bạn để lại chứ không được hưởng toàn bộ quyền sử dụng đất đó. Và bạn sẽ trở thành đồng chủ sử dụng thửa đất với mẹ bạn và các đồng thừa kế khác.
 
Trừ trường hợp: ông bà nội bạn tặng cho bạn phần di sản mà ông bà được hưởng từ bố bạn; mẹ bạn tặng cho phần di sản được hưởng đồng thời tặng cho phần tài sản trong khối tài sản chung vợ chồng của bố mẹ bạn, đối với phần di sản em gái bạn được hưởng thì em gái bạn không thể tự mình tặng cho bạn (do em bạn chưa đủ 18 tuổi nên mọi giao dịch liên quan đến bất động sản phải do người đại diện theo pháp luật đồng ý) nếu việc tặng cho của em gái bạn được người đại diện theo pháp luật ở đây là mẹ bạn (căn cứ Điều 136 BLDS 2015) thì bạn sẽ trở thành chủ sử dụng của toàn bộ thửa đất và có quyền đăng ký sang tên mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó.
 
Còn việc ông bà nội bạn lấy lại quyền sử dụng đất thì như trên đã nói, thửa đất thuộc quyền sử dụng của bố mẹ bạn, ông bà nội bạn không còn quyền gì đối với thửa đất nữa. Do vậy, ông bà không thể đòi lại mảnh đất. Tuy nhiên, ông bà vẫn có quyền nhận di sản thừa kế do bố bạn để lại là một phần quyền sử dụng đất đó. Và khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, ông bà có quyền đứng tên đồng chủ sử dụng thửa đất với các đồng thừa kế khác (trừ trường hợp ông bà bạn từ chối nhận di sản hoặc tặng cho phần di sản được nhận cho bạn như đã nói ở trên).
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer