Vợ tôi là người Ukraina, chúng tôi đã đăng ký kết hôn và chung sống ở Việt Nam nhưng vợ tôi chưa nhập quốc tịch Việt Nam. Vì hiện nay tôi đang mắc bệnh nặng, sợ sẽ không qua khỏi nên muốn để lại di chúc cho vợ và con trai tôi thừa kế tài sản. Tôi có một căn nhà và một số tài sản khác muốn để vợ đứng tên vì con tôi còn nhỏ quá nhưng được biết người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất ở VN. Vậy trong trường hợp này vợ tôi có thể nhận thừa kế căn nhà của tôi không? Xin cảm ơn!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thừa kế sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch, đồng thời, việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản cũng được xác định theo pháp luật của nước có bất động sản đó. Như vậy, nhà đất bạn để lại sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đúng như bạn đã tìm hiểu thì theo quy định khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013, người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là người nước ngoài sẽ không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định.
Trường hợp người nhận thừa kế của bạn là vợ người nước ngoài thì việc nhận thừa kế được quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013:
“Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
- Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
- Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính”.
Như vậy, vợ bạn không được phép đứng tên quyền sử dụng đất mà chỉ được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất này theo quy định nêu trên. Điều đó có nghĩa là vợ bạn không được đăng ký quyền sử dụng đất nhưng được phép mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này cho người khác.
Theo thông tin bạn chia sẻ thì bạn đã có con trai nhưng vì con bạn còn quá ít tuổi nên bạn muốn để vợ đứng tên quản lý. Tuy nhiên, thực tế pháp luật không quy định độ tuổi tối thiểu được quyền đứng tên sở hữu bất động sản, do đó bạn vẫn có thể tặng cho quyền sử dụng đất cho con trai của mình.
Bạn có thể tham khảo thêm tại đây: https://www.saovietlaw.com/tu-van-luat-dat-dai/nguoi-duoi-18-tuoi-co-duoc-dung-ten-so-do-khong-/
Con bạn khi chưa đủ 18 tuổi thì người mẹ vẫn có quyền thay mặt quản lý bất động sản mà con sở hữu.
Do đó, bạn có thể để lại di chúc chia tài sản cho con quyền thừa kế nhà đất ngay bây giờ hoặc vẫn để vợ thừa kế nhưng sau này vợ bạn sẽ không được đứng tên mà chỉ có quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho lại cho người khác (có thể tặng cho lại cho con bạn khi cháu đã lớn).
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com