Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý được quy định tại Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ 01/01/2025. Theo đó tại khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định “Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều này và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.”

Đồng thời tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:

a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;

c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

Như vậy pháp luật đất đai 2024 không hạn chế trường hợp chuyển nhượng đất trồng lúa đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Từ các quy định nêu trên cho thấy:

- Thứ nhất, từ ngày 01/012025, cá nhân, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (hay còn gọi là không trực tiếp canh tác) vẫn được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.

Điều này hoàn toàn khác so với quy định của Luật đất đai trước đây đã hạn chế đối tượng nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Trước đây theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì  Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Cụ thể tại theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất như sau:

“Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

...

3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.”

Về cách hiểu cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mặc dù Luật đất đai 2024 không quy định cụ thể về khái niệm này nhưng tại Khoản 6 Điều 3 đã nêu rõ khái niệm về Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo đó cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là là cá nhân đáp ứng 2 điều kiện: đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó theo quy định của Chính phủ. Do đó, những cá nhân không đáp ứng một trong các điều kiện nói trên đều được xem là không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa vượt hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.

Cụ thể hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 176 như sau:

1. Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau:

a) Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

b) Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:

a) Đất rừng phòng hộ;

b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.

4. Cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 ha; trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 25 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi; trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha.

5. Hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Có thể thấy, quy định ban đầu hạn chế đối tượng nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa nhằm ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nhưng trong quá trình thực hiện lại vô tình cản trở quyền được tiếp cận quyền sử dụng đất của không ít người dân. Chính vì vậy, việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa là hoàn toàn phù hợp, sẽ góp phần hạn chế việc tích tụ đất đai, để mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ cao

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer