Chào Luật sư. Tôi có con riêng ở bên ngoài, nay tôi muốn nhận con và bù đắp mọi thứ cho con nhưng vợ tôi kiên quyết không đồng ý. Nếu vậy tôi có thể nhận con không và phải thực hiện những thủ tục gì?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Pháp luật luôn tôn trọng và không hạn chế quyền nhận con của cha mẹ. Cụ thể quy định tại Điều 91 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về quyền nhận con của cha mẹ như sau:

“1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.

2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia”

=> Như vậy, nếu có căn cứ chứng minh đó là con bạn (chẳng hạn như thông qua kết quả giám định ADN) thì bạn hoàn toàn có quyền nhận con mà không cần sự đồng ý của vợ. Tuy nhiên, trên phương diện tình cảm, bạn vẫn nên trao đổi, bàn bạc với vợ hoặc nhờ người thân trong gia đình tham gia, góp ý để cùng tìm ra phương án giải quyết tối ưu, vừa đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ vừa hạn chế sứt mẻ tình cảm gia đình.

Về thủ tục nhận con: Do bạn không nêu rõ các thông tin nên sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Không có tranh chấp: Thực hiện thủ tục nhận con tại UBND xã/phường ( Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04 tháng 9 năm 2020)

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con theo Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền:

Người có yêu cầu nộp giấy tờ, hồ sơ tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú

Nếu có yếu tố nước ngoài như con sinh ra giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con.

Bước 3: Nhận kết quả

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.(Điều 25 Luật Hộ tịch 2014)

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc

- Đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, công chức tư pháp sẽ xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở UBND cấp huyện trong thời gian 07 ngày. Đồng thời gửi UBND cấp xã nơi thường trú của người được nhận cha, mẹ, con niêm yết trong 07 ngày. Sau thời gian này, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ giải quyết việc đăng ký nhận cha, mẹ, con.(Điều 44 Luật Hộ tịch 2014)

Trường hợp 2: Có tranh chấp

Để thực hiện thủ tục nhận cha con, bạn phải đến Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi cư trú của con yêu cầu xác định quan hệ cha conTheo đó bạn chuẩn bị và nộp hồ sơ gồm:

+ Đơn yêu cầu xác định quan hệ cha, con

+ Giấy tờ tùy thân của bạn như CMND/CCCD, hộ chiếu

+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của con bạn

+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con theo Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con (điển hình nhất là kết quả giám định ADN). Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con. 

Sau khi có Quyết định của Tòa án về xác định cha, con, bạn mang quyết định đó đến UBND xã nơi cư trú để cán bộ hộ tịch bổ sung, ghi chú và cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer