Tôi là trẻ mồ côi, được cha mẹ nuôi nhận nuôi từ nhỏ. Sau này, từ cha mẹ nuôi, tôi biết được mẹ ruột của tôi còn sống, thực chất bà bỏ rơi tôi khi vừa mới đẻ để đi lấy chồng. Khi tôi được 10 tuổi, mẹ ruột có tìm đến nhưng cha mẹ nuôi tôi đuổi bà đi, thực ra bà đến để đưa tiền coi như trả công nuôi dưỡng chứ không phải muốn nhận lại tôi, vì gia đình của bà vẫn đang rất hạnh phúc. Sau đó bao năm mẹ ruột tôi cũng không đến nhận lại, tôi cũng không dám tìm sợ bố mẹ nuôi đau lòng và sợ làm phiền cuộc sống của mẹ. Chỉ là gần đây mẹ ruột có tìm đến, nói sức khỏe đã yếu và muốn để lại cho tôi thừa kế căn nhà là tài sản ông bà ngoại để lại cho mẹ trước đây, căn nhà này hiện nay có một gian thờ cúng. Bố mẹ nuôi tôi không đồng ý để tôi thừa kế căn nhà này, nhưng tôi vẫn muốn làm tròn đạo nghĩa của mình, lo hương khói cho căn nhà nhỏ của mẹ và cũng là của ông bà ngoại ruột của tôi. Cho tôi hỏi khi là con nuôi của người khác thì tôi có thể thừa kế tài sản từ cha mẹ đẻ của mình nữa không? 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, cụ thể, tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:

“1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi."

Như vậy, theo quy định trên thì cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi kể từ ngày giao nhận con nuôi, trừ trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác. Có thể thấy, pháp luật loại bỏ quyền chăm sóc, định đoạt của cha mẹ đối với con đã cho làm con nuôi nhưng không loại bỏ quyền thừa kế giữa cha mẹ đẻ và con đẻ với con đẻ khi người con này được nhận nhận làm con nuôi.

Về vấn đề thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ cũng được quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: 

“Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”

Có thể thấy, pháp luật vẫn cho phép người con đã được cho làm con nuôi được quyền thừa kế tài sản của cha mẹ ruột. Như vậy một người được nhận làm con nuôi thì người con đó vừa có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ nuôi và vừa có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ đẻ của mình. 

Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu ý trong trường hợp của bạn, đó là mẹ bạn bỏ rơi khi bạn vừa mới sinh, cần phải xem xét việc bạn đã được đăng ký khai sinh (chứng minh mẹ ruột) vào thời điểm đó hay chưa. Nếu mẹ ruột chưa khai sinh vào thời điểm đó cho bạn thì hiện nay về mặt pháp luật, bạn không có liên hệ gì với mẹ ruột mà chỉ được xác nhận là con nuôi của cha mẹ nuôi. Vì vậy nếu thừa kế theo pháp luật, bạn sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận mẹ - con với mẹ ruột; trước khi muốn nhận thừa kế. Tuy nhiên nếu mẹ ruột của bạn không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật và không đảm bảo bạn có thể được thừa kế toàn bộ căn nhà của mẹ, do bạn sẽ phải chia thừa kế cùng những người con khác và những người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ ruột.

Trường hợp mẹ ruột bạn để lại di chúc cho bạn hưởng tài sản thì không cần những thủ tục nêu trên, bạn chắc chắn sẽ được thừa kế mà không cần chứng minh huyết thống.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi đối với trường hợp của bạn, nếu còn vấn đề thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer