Tôi và chồng đã ly hôn và tôi được Tòa án quyết định được quyền nuôi con. Tuy nhiên, chồng tôi lấy lý do đưa con đi du lịch, sau đó đã chuyển hẳn vào Nam sinh sống và nói với tôi sẽ không đưa con về. Anh ta cắt đứt liên lạc với tôi và biến mất đã hơn 1 tuần. Vậy trường hợp này tôi phải làm gì? Xin cảm ơn.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Quyền và nghĩa vụ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn được quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; cụ thể:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Tuy nhiên, các bên không được lạm dụng việc được Tòa án tuyên bố cho phép được nuôi con để cản trở quyền của người không được nuôi con. Ngược lại, người không được nuôi con cũng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và cũng không được phép làm trái với quyết định của Tòa án hoặc thỏa thuận tại Tòa án về việc nuôi con.

Trong trường hợp của bạn, chồng bạn tự ý về đón con đi và cắt liên lạc với bạn để “chiếm đoạt” quyền nuôi con là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và sẽ bị buộc phải chấm dứt hành động vi phạm đó.

Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên làm đơn đến cơ quan thi hành án để đề nghị việc thi hành án theo yêu cầu, buộc người chồng phải chấp hành theo Bản án ly hôn của Tòa án, giao con cho bạn chăm sóc, nuôi dưỡng và phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có).

Nếu cơ quan thi hành án đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn không có kết quả thì bạn thực hiện việc trình báo cơ quan công án khởi tố anh ta về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự:

“Điều 304. Tội không chấp hành án

Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."

Hoặc, bạn có thể làm đơn tố cáo chồng cũ về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 BLHS 2015:

Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi -1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh, thụ lý và điều tra vụ việc, mang cháu bé về cho chị.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer