Câu hỏi:
Cuộc sống của vợ chồng chúng tôi đang trục trặc vì anh ấy hay đi nhậu, không quan tâm việc gia đình hay cuộc sống của vợ con. Tôi muốn ly hôn và làm lại giấy khai sinh cho con theo họ mẹ. Xin hỏi luật sư Sao Việt thủ tục ly hôn và làm lại giấy khai sinh cho con như thế nào?
Thay đổi họ của con khi ly hôn chồng
 
Trả lời :

Luật sư Sao Việt tư vấn cho bạn như sau:
1. Về thủ tục ly hôn:
Bạn nộp bộ hồ sơ xin ly hôn tại Cơ quan có thẩm quyền để xin giải quyết ly hôn.
  • Bộ hồ sơ ly hôn gồm: Đơn ly hôn (theo mẫu của Tòa án), Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính), Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực), CMND/hộ chiếu (bản sao có chứng thực), Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực), Các tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản (bản sao có chứng thực) và các tài liệu khác nếu có.
  • Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Trường hợp 1: Vợ chồng bạn thuận tình ly hôn (vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn và đã thỏa thuận được hết về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con) thì Tòa gia đình và người chưa thành niên  - TAND cấp huyện nơi 1 trong 2 bên vợ chồng cư trú, làm việc là Tòa án có thẩm qyền giải quyết (theo Khoản 2 Điều 29, điểm b Khoản 2 Điều 35, Khoản 2 Điều 36, điểm h Khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015). Trường hợp TAND cấp huyện chưa thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên thì Chánh án Tòa án sẽ phân công thẩm phán chuyên trách giải quyết (Khoản 3 Điều 36 BLTTDS)

Trường hợp 2: Vợ chồng bạn không thể thuận tình ly hôn thì bạn vẫn có quyền đơn phương ly hôn. Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là Tòa gia đình và người chưa thành niên - TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của chồng bạn là Tòa án có thẩm quyền giải quyết nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận khác (theo Khoản 1 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, Khoản 2Điều 36, điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015). Trường hợp TAND cấp huyện chưa thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên thì Chánh án Tòa án sẽ phân công thẩm phán chuyên trách giải quyết (Khoản 3 Điều 36 BLTTDS)

Tuy nhiên, nếu bạn/chồng bạn/ người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết ly hôn ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, cơ quan đại diện của nước Việt Nam ở nước ngoài thì thẩm quyền sẽ được chuyển thành TAND cấp tỉnh (theo khoản 3 Điều 35 BLTTDS 2015).
 
2. Về thủ tục thay đổi họ cho con trong giấy khai sinh
a. Về điều kiện đăng ký thay đổi hộ tịch
 
Tại Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch 2014 thì việc thay đổi họ của cá nhân trong Giấy khai sinh được thực hiện khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Và theo điểm d Khoản 1 Điều 27 BLDS 2005 về quyền thay đổi họ, tên thì cá nhân có quyền thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại. Vậy, trong trường hợp này thì bạn được quyền thay đổi họ cho con sang họ của bạn (nếu con bạn đang theo họ của chồng bạn).

Tuy nhiên, theo Điều 7  Nghị định số 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch thì khi đăng ký thay đổi hộ tịch thì bạn cần phải đáp ứng điều kiện sau: phải có đồng ý của chồng bạn về việc thay đổi này và thể hiện rõ trong tờ khai khi làm thủ tục đăng ký thay đổi nếu con bạn dưới 18 tuổi,  phải có sự đồng ý của con bạn về việc thay đổi nếu con bạn đã đủ 9 tuổi.
 
b. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi hộ tịch
Vì bạn không nói rõ con bạn hiện bao nhiêu tuổi, đang cư trú trong nước hay cư trú tại nước ngoài nên chúng tôi xin đưa ra các trường hợp như sau:
  • Nếu con bạn đang cư trú tại nước ngoài thì cơ quan đăng ký thay đổi hộ tịch là cơ quan đại diện (Điều 53 Luật hộ tịch 2014)
  • Nếu con bạn đang cư trú trong nước thì UBND cấp xã (nếu con bạn chưa đủ 14 tuổi) hoặc UBND cấp huyện (nếu con bạn đã đủ 14 tuổi) nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi (Điều 7, Điều27, Điều 46 Luật hộ tịch 2014)
 
c. Thủ tục đăng ký thay đổi
Theo quy định tại Điều 28 (nếu con bạn chưa đủ 14 tuổi), Điều 47 (nếu con bạn đã đủ 14 tuổi) Luật hộ tịch 2014, Điều 10 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP (nếu con bạn hiện cư trú ở nước ngoài) thì thủ tục đăng ký thay đổi trong trường hợp con bạn cư trú trong nước hay ngoài nước, đã đủ 14 tuổi hay chưa đều theo thủ tục như sau:

Bước 1: Bạn nộp tờ khai theo mẫu (tại phụ lục số 5 Thông tư số 15/2015/TT-BTP) và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Bước 2: Nếu thấy việc thay đổi hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của con bạn, bạn ký vào Sổ hộ tịch; công chức tư pháp báo cáo người đứng đầu cơ quan đăng ký cấp trích lục cho bạn (thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ tại Bước 1, trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài them không quá 03 ngày làm việc).

Bước 3: Cơ quan thực hiện đăng ký thay đổi hộ tịch thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Cơ quan đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch (nếu đăng ký thay đổi không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây)

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

Đối với trường hợp cơ quan thực hiện đăng ký thay đổi là Cơ quan đại diện mà Sổ hộ tịch đã chuyển lưu tại Bộ Ngoại giao thì sau khi đăng ký việc thay đổi thì Cơ quan đại diện thông báo kèm theo Trích lục thay đổi hộ tịch (bản sao) cho Bộ Ngoại giao để ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch đang lưu tại Bộ Ngoại giao.
 
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer