Chào Luật sư, tôi muốn hỏi một việc như sau: Vợ chồng tôi đã kết hôn được 01 năm. Ngay từ khi mới kết hôn, tôi và chồng thỏa thuận với nhau và viết một bản cam kế, có đầy đủ chữ ký và điểm chỉ của hai bên về việc nếu một trong hai người mà ngoại tình thì khi ly hôn, người đó sẽ không được quyền nuôi con. Tôi muốn hỏi giấy đó sau này liệu có hiệu lực để trở thành bằng chứng trước tòa khi ly hôn không? Nếu chồng tôi ngoại tình thì tôi có thể dựa vào Bản cam kết này để giành quyền nuôi con không? Mong được Luật sư tư vấn giúp đỡ?

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

2. Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cùng những văn bản hướng dẫn thi hành thì hiện nay, pháp luật về hôn nhân và gia đình chỉ công nhận những thỏa thuận chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân liên quan đến việc phân chia tài sản (Điều 38 Luật hôn nhân v à gia đình năm 2014), mà chưa có quy định nào công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc phân chia hay hạn chế quyền nuôi con. Do vậy, dù sau khi kết hôn hai vợ chồng bạn cùng tự nguyện lập và ký Bản cam kết với nội dung “nếu một trong hai người vợ/chồng mà ngoại tình thì khi ly hôn, người đó sẽ không được quyền nuôi con” thì văn bản này cũng không có giá trị pháp lý, không phát sinh hiệu lực trên thực tế.

Về vấn đề xác định quyền nuôi con khi ly hôn, tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Đối chiếu quy định nêu trên với trường hợp của bạn: Nếu  vợ chồng bạn ly hôn thì việc xác định người trực tiếp nuôi con (bạn hoặc chồng bạn) sẽ được căn cứ vào sự thỏa thuận của vợ chồng bạn tại thời điểm ly hôn. Trường hợp vợ chồng bạn không thể thỏa thuận được vấn đề nuôi con, thì Tòa án sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, trong đó:

- Con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp, nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.

- Con từ đủ 07 tuổi thì bên cạnh việc xem xét về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con của vợ chồng thì còn phải xem xét đến nguyện vọng của đứa trẻ.

Từ các căn cứ nêu trên, có thể xác định: Mặc dù vợ chồng bạn có thể tự nguyện, cùng nhau lập Bản cam kết này, nhưng nó chỉ là căn cứ để xây dựng niềm tin về đối phương của vợ chồng bạn, chứ không có ý nghĩa, và không phải là cơ sở để xác định về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer