Câu hỏi:
 
Vợ chồng tôi kết hôn, khi chung sống có xảy ra cãi nhau, (tôi không có bất kỳ hành vi đánh đập hay chửi mắng gì cả) thì vợ tôi bỏ nhà ra đi, tôi cũng không biết đi đâu cả. Đến nay gần nửa năm thì về và đòi ly hôn. Con chúng tôi đã được 2 năm 9 tháng, nên giờ tôi muốn đợi đến 3 tuổi thì mới ly hôn.
Cho tôi hỏi 1 số vấn đề:
1. Tòa căn cứ vào thời điểm nào để xác định độ tuổi của con (khi thụ lý hay khi xét xử)?
2. Tôi có thể bằng cách nào kéo dài thời hạn để đơn chị vợ không được tòa thụ lý không?
3. Trường hợp vợ tôi ngoại tình, tôi không hành động sai, k muốn ly hôn thì Tòa có cho phép đơn phương ly hôn không?
4. Trường hợp con đã đủ 3 tuổi, thì khi ra tòa, cơ hội nuôi con của tôi được bao nhiêu % (tôi và cô ấy đều có thu nhập đầy đủ, mỗi tháng trên 10 triệu).
Xác định tuổi con khi ly hôn, lúc thụ lý hay lúc xét xử?
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn, công ty Luật TNHH Sao Việt có câu trả lời như sau:

1.Xác định tuổi của con ở thời điểm nào.
Trường hợp xác định tuổi của con là điều kiện ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con (như việc giao con cho ai là người trực tiếp nuôi) tòa án sẽ xác định tuổi của con tại thời điểm xét xử.
Trường hợp xác định tuổi của con là điều kiện để thụ lý vụ án, thì tòa án sẽ xác định tuổi của con tại thời điểm thụ lý vụ án. Ví dụ như tại Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình có quy định: 
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng  tuổi, nếu người chồng yêu cầu ly hôn, tòa án sẽ xác định tuổi của con tại thời điểm thụ lý, trường hợp con dưới 12 tháng tuổi tòa sẽ không thụ lý vụ án.

2.Về việc kéo dài thời hạn để đơn ly hôn của vợ không được Tòa thụ lý
Theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì các hành vi sau đây bị cấm: Cưỡng ép ly hôn, lừa dối lý hôn, cản trở ly hôn. Do đó nếu bạn tìm cách kéo dài thời gian để tòa án không lý yêu cầu ly hôn, cản trở việc ly hôn tự nguyện của vợ bạn là trái với quy định của pháp luật.

3.Giải quyết  giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

4.Về việc nuôi con sau khi ly hôn.
Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định:

-Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
-Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con thì ngoài điều kiện về kinh tế thì các điều kiện khác như: Chỗ ở, công việc, lối sống... sẽ được tòa án xem xét khi quyết định giao con cho bạn hay vợ bạn trực tiếp nuôi.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer