Chào luật sư, thời gian qua do dịch Covid 19 nên công ty của tôi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp buộc phải xây dựng lại phương án lao động và đang có dự định cho một lượng lớn công nhân nghỉ việc. Vậy cho tôi hỏi: Doanh nghiệp tổ chức lại lao động do dịch covid sẽ phải đáp ứng quyền lợi gì cho người lao động?
Hình ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Đối với những người lao động ở lại công ty
Khoản 1 Điều 46 Bộ Luật lao động 2012 quy định về phương án sử dụng lao động như sau: “1.Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.”
Như vậy, với phương án sử dụng lao động được quy định tại điều luật trên, doanh nghiệp công ty cần đưa ra những biện pháp giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo thích ứng đối với các quyền lợi, cũng như lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động trong tình hình dịch bệnh Covid bùng phát mà công ty muốn cắt giảm nhân sự.
2. Đối với những người lao động bị cắt giảm
- Người lao động bị công ty cho nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu sẽ được ưu tiên đào tạo và sử dụng lại khi có chỗ làm việc mới (Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 BLLĐ 2012)
- Người lao động cần được thông báo bằng văn bản về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động ít nhất 15 ngày. (Khoản 1 Điều 47 BLLĐ 2012)
- Người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động (Khoản 3 Điều 47 BLLĐ 2012)
- Doanh nghiệp phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động
Đối với những người lao động mà công ty không thể sắp xếp công việc mới cho họ, người lao động buộc phải nghỉ việc thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ Luật lao động 2012: “…Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.”
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
- Doanh nghiệp phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động
Theo quy định tại Điều 48 Bộ Luật lao động 2012, người lao động được quyền hưởng các trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật khi họ đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp, công ty từ đủ 12 tháng trở lên, cụ thể:
“Điều 48: Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”
* Thời hạn giải quyết quyền lợi cho người lao động:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com