Tôi thấy Công ty gần nhà tuyển lao động (yêu cầu phải có bằng cấp III) nên định xin vào làm. Tuy nhiên tôi lại không có bằng cấp III vì ngày trước mới học đến lớp 11 thì tôi đánh nhau với bạn nên bị kỷ luật và không tiếp tục đi học nữa. Tôi định mượn bằng cấp III của chị họ để đưa vào hồ sơ xin việc thì liệu có vi phạm không? Nếu công ty phát hiện ra thì liệu tôi sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

1, Nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người lao động và người sử dụng lao động khi đi xin việc

Căn cứ theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019, khi giao kết hợp đồng lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, cụ thể như sau:

- Đối với người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về :

+ Công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động

+ Tiền lương, hình thức trả lương,

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

+ Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ

+ Vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.

- Đối với người lao động: Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về:

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú,

+ Trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề,

+ Xác nhận tình trạng sức khỏe

+ Vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Như vậy, khi giao kết hợp đồng lao động, bạn với tư cách là người lao động phải cung cấp trung thực, chính xác trình độ học vấn của bản thân cho công ty. Trường hợp bạn cố tình vi phạm, gian dối trong việc cung cấp các thông tin của bản thân thì khi bị phát hiện, công ty có quyền đuổi việc bạn theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp:

“....g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động...”

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Mượn giấy tờ, bằng cấp của người khác để xin việc thì bị phạt ra sao?

Bên cạnh đó, khi bạn mượn giấy tờ, bằng cấp của người khác để đi xin việc thì bạn và người cho mượn còn có thể bị xử phạt hành chính:

+ Trường hợp mượn giấy tờ tùy thân: theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với việc mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân (CMND), thẻ Căn cước công dân (CCCD) để thực hiện hành vi trái pháp luật như sau:

“Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

...

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

...

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.”

+ Trường hợp bạn mượn văn bằng, chứng chỉ :

Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ như sau:

“Điều 23. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác;

b) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;

...”

Khi đó không chỉ người mượn mà ngay cả người cho mượn đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -           
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer