Cháu ngoại tôi mới 2 tuổi đã mất cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn giao thông. Tôi và nhà nội của cháu đã thỏa thuận toàn bộ tài sản của bố mẹ cháu sẽ để lại cho cháu, chúng tôi cũng đã lập văn bản rõ ràng và giao lại cháu cho nhà nội chăm sóc. Tài sản bố mẹ cháu để lại cũng do ông bà nội quản lý giùm. Sau này, ông nội mất vì bệnh ung thư, bà nội cháu sức khỏe cũng yếu nên tôi đưa cháu về nuôi. Căn nhà của bố mẹ cháu vẫn để cho bà nội ở nhưng gần đây tôi nghe cháu nói bà nội có ý định khi mất sẽ để lại căn nhà cho con gái (cô ruột của cháu) quản lý, chờ khi cháu đủ tuổi mới giao lại. Cháu hiện nay mới 16 tuổi. Tôi không đồng ý và muốn lấy lại căn nhà cho cháu, vậy thì trên pháp luật bà nội cháu có quyền cho người khác quản lý tài sản của cháu không? Xin cảm ơn

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Về vấn đề bà nội cháu có quyền cho người khác quản lý tài sản của cháu không?

Trong trường hợp này cần phải có nội dung chính xác của thỏa thuận giữa hai bên nội ngoại để xác định tính pháp lý của thỏa thuận này. 

Nếu đây là thỏa thuận phân chia di sản, trong đó hai bên ông bà nội - ngoại từ chối nhận thừa kế và để cháu thừa kế toàn bộ tài sản của bố mẹ cháu thì tính chất của khối tài sản mà bố mẹ cháu để lại không còn là di sản chưa chia mà là tài sản của cháu. Khi đó, việc ông bà nội quản lý tài sản giúp cháu nội sẽ được xác định theo quan hệ giám hộ. Việc xác định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015  thứ tự như sau:

“1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”

Theo quy định này thì việc thỏa thuận ông bà nội là người giám hộ của cháu là hợp pháp và ông bà nội có quyền quản lý tài sản giúp cháu cho đến khi cháu đủ tuổi. Tuy nhiên, khi ông bà nội đều mất thì quan hệ giám hộ cũng chấm dứt. Khi đó người giám hộ đương nhiên sẽ được xác định lại theo thứ tự quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên và ông bà ngoại sẽ là người giám hộ ở vị trí thứ 2, nếu không còn ông bà ngoại thì cô ruột mới trở thành người giám hộ của cháu. Vì vậy, việc bà nội tự ý quyết định giao tài sản của cháu cho người khác quản lý trong trường hợp này là sai.

Một trường hợp khác có thể xảy ra đó là thỏa thuận của hai bên nội - ngoại không phải là thỏa thuận phân chia di sản mà là thỏa thuận người quản lý di sản. Khi đó, di sản của bố mẹ cháu để lại chưa được chia mà thỏa thuận này chỉ quyết định người nuôi dưỡng và có quyền quản lý di sản đó. Thỏa thuận cử người quản lý di sản là hợp pháp và cũng đúng quy định tại Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 về người quản lý di sản:

"Điều 616. Người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản

…"

Các quyền của người quản lý di sản được quy định tại Khoản 1, khoản 3 Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”.

Theo quy định trên, người quản lý di sản không có quyền chỉ định người khác quản lý di sản. Trường hợp bà nội cháu mất mà những người thừa kế chưa muốn phân chia di sản thì có thể thỏa thuận chọn một người khác quản lý di sản hoặc tài sản có thể sẽ phải chia nếu một trong những người thừa kế muốn hưởng phần của mình. 

Trường hợp này vấn đề chia thừa kế sẽ khá rắc rối vì tài sản bố mẹ cháu để lại không thuộc về cháu hoàn toàn. Vì bố mẹ cháu mất đột ngột không để lại di chúc nên tài sản này sẽ phải chia theo pháp luật. Khi đó, những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ được hưởng tài sản. Theo đó, ông bà nội - ngoại và cháu đều sẽ hưởng các phần bằng nhau và cháu chỉ được thừa kế một phần. Khi ông nội mất, phần tài sản ông được hưởng cũng phải chia cho những người thừa kế của ông và khi bà nội mất cũng sẽ tương tự. Nói chung, nếu ở trường hợp này thì việc để cháu được nhận lại toàn bộ tài sản bố mẹ để lại sẽ khó khăn nếu không có sự đồng thuận của tất cả những người thừa kế (bao gồm cả những người thừa kế của ông bà nội).

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer