Cha mẹ tôi trước khi mất có lập di chúc chung để lại tài sản là 1 mảnh đất cho em gái tôi, còn mảnh đất và nhà tôi và bố mẹ đang ở có bao gồm cả nhà thờ thì không đề cập gì. Bố tôi mất đã lâu; mẹ tôi mới mất năm 2020. Tôi muốn làm thủ tục để đứng tên mảnh đất và nhà đang ở, nhưng em gái tôi không đồng ý và đòi chia căn nhà này. Vậy Luật sư cho tôi hỏi nhà đất tôi đang ở không quy định trong di chúc nhưng tôi đã và đang quản lý nhiều năm thì tôi có phải chia cho em tôi không? Tôi xin cảm ơn.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc.

Như vậy, trường hợp cha mẹ bạn để lại di sản là mảnh đất và căn nhà bao gồm cả nhà thờ không được định đoạt trong di chúc thì sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Việc bố mẹ bạn để lại di chúc chia cho em gái bạn 1 mảnh đất khác sẽ không làm ảnh hưởng đến việc chia thừa kế mảnh đất và căn nhà bạn đang ở.

Theo thông tin bạn cung cấp thì trong mảnh đất cha mẹ bạn để lại có bao gồm cả nhà thờ, đây được coi là di sản thờ cúng. Theo Điều 645 BLDS 2015 thì: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.”

Do cha mẹ bạn không chỉ định người được giao quản lý di sản thừa kế, nhưng bạn đã chủ động thực hiện trách nhiệm đó từ khi cha mẹ mất cho đến nay, nên bạn và em gái có thể thỏa thuận để bạn tiếp tục thực hiện việc quản lý nhà thờ của gia đình.

Đối với căn nhà và phần đất còn lại ngoài nhà thờ, sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Thứ tự hàng thừa kế thứ nhất được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”;

Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau và trong trường hợp của bạn thì bạn và em gái sẽ là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Mảnh đất và căn nhà bố mẹ bạn để lại chưa được định đoạt trong di chúc sẽ được chia đôi, hai anh em mỗi người được hưởng ½.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer