Chào luật sư, tôi muốn hỏi một việc như sau: Đầu năm nay bố tôi qua đời vì ung thư. Khi còn sống, bố tôi có thành lập một trường tiểu học tư thục ở Hà Nội do bố tôi bỏ 100 % vốn đầu tư. Vậy tôi, các anh chị và mẹ tôi có được thừa kế đối với trường học này không? Thủ tục như thế nào thưa luật sư?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:

1. Về việc thừa kế:

 Khoản 2 Điều 102 Luật Giáo dục 2019 quy định về quyền sở hữu tài sản đối với trường dân lập, trường tư thục như sau:

“Điều 102. Quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, trường tư thục

2. Tài sản của trường tư thục thuộc sở hữu của nhà đầu tư, hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư, được xác định bằng biên bản góp vốn của nhà đầu tư”.

Đồng thời Điều 612  Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định về di sản:

"Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác."

Căn cứ các quy định trên:

+ Các tài sản gồm Vốn góp đầu tư và các tài sản của trường tư thục thuộc sở hữu của bố bạn (nhà đầu tư). Theo đó, khi bố bạn mất không để lại di chúc thì di sản này sẽ được phân chia theo pháp luật.

+ Những người được hưởng di sản trên gồm hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Như vậy, bạn, anh chị (là con của người đã mất) và mẹ của bạn là những người thừa kế di sản trên. Mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau.

2. Về thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

Việc khai nhận di sản thừa kế sẽ thực hiện tại văn phòng công chứng nơi cư trú cuối cùng của người có di sản, nơi cư trú cuối cùng có thể là nơi người chết có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú có thời hạn của người đã chết. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì nơi khai nhận di sản thừa kế sẽ xác định là văn phòng công chứng nơi có toàn bộ hoặc nơi có nhiều di sản thừa kế nhất.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014:

Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai về quan hệ thừa kế ( theo mẫu do VPCC cấp);

–  Giấy tờ về tài sản thừa kế;

– Giấy chứng tử của người để lại di sản thủ kế;

– Giấy khai sinh của người để lại di sản thừa kế (hoặc giấy tờ khác chứng minh Cha, Mẹ của người để lại di sản thừa kế là ai, nếu người để lại di sản không có Giấy Khai Sinh);

– Giấy chứng tử của Cha, Mẹ của người để lại di sản thừa kế (nếu Cha,Mẹ cũng đã chết). Chứng minh, hộ khẩu của cha mẹ (nếu còn sống).

– Giấy kết hôn của người để lại di sản thừa kế hoặc giấy tờ khác chứng minh tình trạng hôn nhận của người để lại di sản thừa kể (nếu người để lại di sản thừa kế có vợ, có chồng);

– Giấy Khai sinh các con của người để lại di sản thừa kế (nếu người để lại di sản thừa kế có con, bao gồm con đẻ trong gia thú; con đẻ ngoài gia thú; con nuôi, cho dù còn sống hay đã chết).

– Chứng minh nhân dân (hoặc căn cước CD); Sổ hộ khẩu của tất cả những người đừng khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

BƯớc 2: Công chứng viên tiến hành kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ người yêu cầu công chứng đã nộp. Sau khi kiểm tra hồ sơ và nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý yêu cầu công chứng và ghi vào sổ công chứng.

Bước 3: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế

– Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành niêm yết công khai văn bản khai nhận di sản thừa kế trong thời hạn 15 ngày tại trụ sở của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

– Trường hợp di sản thừa kế bao gồm: bất động sản và động sản thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

– Trường hợp di sản chỉ có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực việc niêm yết.

– Sau thời hạn 15 ngày niêm yết Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

Bước 4: Soạn thảo văn bản khai nhận di sản và ký chứng nhận

– Sau khi nhận được niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ. Trường hợp người yêu cầu công chứng đã chuẩn bị dự thảo văn bản khai nhận di sản thì công chứng viên kiểm tra nội dung và hình thức của văn bản. Trường hợp trong dự thảo văn bản có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

– Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: nội dung, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo văn bản.

– Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo văn bản hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.

– Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo văn bản khai nhận di sản thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản đó. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ hồ sơ đã nêu ở mục trên để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký tên cụ thể vào từng trang của văn bản theo quy định của pháp luật.

Bước 5: Nộp phí và nhận kết quả

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -           

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer